📞

Tin tức ASEAN sáng 9/10: ASEAN có cơ hội phát triển tốt nhất; Đầu tư vào startup giảm do Covid-19

Quang Đào 09:30 | 09/10/2020
TGVN. EU nhận định ASEAN có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất thế giới, ASEAN chống lại rủi ro trong tăng trưởng... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 9/10.

ASEAN có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất

Theo Báo cáo khảo sát tâm lý kinh doanh lần thứ 6 của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN công bố ngày 8/10, có tới 72% doanh nghiệp EU khảo sát đang ở Việt Nam cho biết vẫn có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. ASEAN vẫn được coi là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất.

Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN cho rằng ASEAN vẫn được coi là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất.

Báo cáo cũng cho biết, 63% doanh nghiệp khảo sát đang ở Việt Nam hài lòng với cách ứng phó với Covid-19 của chính phủ; 53% số doanh nghiệp khảo sát coi ASEAN là khu vực có cơ hội kinh tế tốt nhất; 47% số doanh nghiệp khảo sát cho biết đang xem xét việc tổ chức lại chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19, trong đó ASEAN, Châu Âu và Trung Quốc là những điểm đến hàng đầu, 73% doanh nghiệp khảo sát dự kiến sẽ mở rộng mức độ thương mại và đầu tư hiện tại vào ASEAN trong 5 năm tới.

Chỉ có 2% doanh nghiệp cảm thấy tiến độ hội nhập kinh tế của ASEAN đang phù hợp với mong đợi và 4% số doanh nghiệp khảo sát cho rằng thủ tục hải quan tại ASEAN được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả;

Ông Donald Kanak - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN - cho biết: Cuộc khảo sát năm nay khẳng định ASEAN vẫn được coi là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất. Gần 50% số doanh nghiệp khảo sát kỳ vọng rằng chuỗi cung ứng sẽ được tổ chức lại hậu Covid-19.

(The Star Online)

ASEAN nên chống lại rủi ro trong tăng trưởng

Ngân hàng Standard Chartered cho biết, chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN cần áp dụng các biện pháp mới để hỗ trợ thương mại và đầu tư trong nội khối và thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số để chống lại các rủi ro trong tăng trưởng bên ngoài và bên trong.

Trong một báo cáo có tiêu đề "ASEAN - Khu vực đối mặt với sự xáo trộn: Định vị các doanh nghiệp tầm trung để tăng trưởng ở Đông Nam Á" mới được công bố, Standard Chartered nhận định, tăng trưởng tại khu vực có thể được hiện thực hóa thông qua ba lĩnh vực: sản xuất, cơ sở hạ tầng cũng như bán lẻ và tiêu dùng.

Ngoài nỗ lực của chính phủ, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải có những thay đổi để phù hợp với quá trình khu vực hóa và số hóa, nhằm đẩy mạnh hoạt động một cách hiệu quả.

(The Edge Market)

Đầu tư vào startup Đông Nam Á giảm trong quý III.

Đầu tư vào startup Đông Nam Á giảm trong quý III

Theo báo cáo của trang DealStreet Asia, các startup trong khu vực nhận được khoảng 1,8 tỷ USD tiền đầu tư trong quý III, giảm 34% theo quý và gần 40% theo năm. Nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Số lượng các hợp đồng đầu tư cũng giảm so với quý trước, và chỉ ghi nhận 151 hợp đồng so với 184 của quý trước. Tuy nhiên, các startup mới thành lập, nhất là tập trung vào công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ sức khỏe thông minh (healhtech) vẫn thu hút được các nhà đầu tư. Trong đó, các công ty healthtech đã vượt mặt ngành thương mại điện tử trở thành ngành công nghệ được đầu tư mạnh thứ hai khu vực trong quý III vừa qua.

(DealStreet Asia)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á

Tính đến rạng sáng ngày 9/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 8.617 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 752.293 ca, trong đó tổng số người tử vong là 18.454 ca.

Indonesia tiếp tục đứng đầu ASEAN về số ca mắc hàng ngày. Nước này đã ghi nhận thêm 4.850 ca mắc Covid-19 và 108 trường hợp tử vong. Hiện tổng số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 320.564 và 11.580. Indonesia cũng là quốc gia có số người tử vong do mắc Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.

Nhằm giúp Indonesia kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động của đại dịch, ngày 7/10, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này.

KOICA sẽ cung cấp 200.000 USD cho Phái đoàn ICRC tại Indonesia và Timor-Leste nhằm giúp cơ quan này mở rộng chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho 67 nhà tù và trại tạm giam tại 6 tỉnh và thành phố của Indonesia với tổng cộng hơn 57.600 tù nhân.

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 8/10 là Philippines. Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.363 ca mắc mới và 144 trường hợp tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua.

Tính đến nay, đã có 331.869 người nhiễm bệnh tại Philippines, trong đó có 6.069 trường hợp tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Đứng thứ ba là Myanmar với 1.012 ca mắc và 25 ca tử vong mới ghi nhận trong ngày 8/10. Tổng số ca mắc ở Myanmar từ đầu dịch là 22.445 ca, trong đó 535 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Myanmar, 6.366 bệnh nhân đã xuất viện. Nước này đã thực hiện 367.539 xét nghiệm Covid-19. Myanmar ghi nhận hai ca dương tính với Covid-19 đầu tiên từ ngày 23/3.

Tại Malaysia, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng dần trong những ngày gần đây. Nước này có thêm 357 ca mắc trong ngày 8/10, trong đó 5 ca tử vong. Khoảng 72% ca mắc mới ngày 8/10 là ở Sabah (271 ca). Trong số các ca mới, 303 ca lây nhiễm cộng đồng.

Tại Campuchia, thông báo của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết chính phủ nước này sẽ không tăng lương cho công chức và lực lượng vũ trang trong năm tới do ảnh hưởng của Covid-19.

Liên quan tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Campuchia sáng 8/10 ra thông cáo xác nhận thêm một trường hợp nhập cảnh mắc Covid-19. Trường hợp này là một nam giới người Indonesia, 26 tuổi, từ Indonesia qua Singapore vào Campuchia ngày 6/10 vừa qua trên chuyến bay có tổng cộng 113 hành khách.

Như vậy tính đến hết ngày 8/10, Campuchia ghi nhận có tổng cộng 281 ca mắc Covid-19, trong đó 276 người đã hồi phục, không có người tử vong và không có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng.

(TGVN/TTXVN)