Hội thảo "Xu thế phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hàm ý cho ngoại giao Việt Nam" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 23/7. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đây là nội dung chính của Hội thảo “Xu thế phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hàm ý cho ngoại giao Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 23/7.
Sự kiện quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia hàng đầu và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, đến từ nhiều cơ quan, tổ chức như: Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn FPT...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ mong muốn các đại biểu gợi mở về xu hướng phát triển, sự cạnh tranh giữa các nước cũng như tác động của công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) đối với Việt Nam, qua đó khuyến nghị cho công tác ngoại giao phục vụ phát triển.
Cuộc đua công nghệ bán dẫn - AI
Nói về tầm quan trọng đặc biệt của chất bán dẫn - AI, trong tham luận “Toàn cảnh ngành công nghệ bán dẫn từ nay đến năm 2030”, ông Phạm Vũ Thiều Quang ở VietnamNet (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, chất bán dẫn, hay còn gọi là chip nhỏ hơn kích thước của một con tem bưu chính, mỏng hơn một sợi tóc người và được làm từ gần 40 tỷ linh kiện - có mặt trong tất cả các thiết bị điện tử hiện đại ngày nay. Từ chiếc điện thoại cầm tay đến ô tô, máy bay, vũ khí hay cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, nền tảng thương mại điện tử… đều có sự hiện diện của chất bán dẫn. Ông Phạm Vũ Thiều Quang nhận định, tác động của chất bán dẫn đối với sự phát triển thế giới vượt xa cả cuộc cách mạng công nghiệp.
Sự phát triển của các công nghệ như: Internet vạn vật, AI, kết nối 5G và các phương tiện tự vận hành đã và đang tiếp tục đẩy chất bán dẫn “vào giỏ hàng” trong nhu cầu kinh tế toàn cầu. Các quốc gia ngày càng nhận ra rằng việc kiểm soát chuỗi cung ứng chất bán dẫn - ngay từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô đến thiết kế và sản xuất chip - mang lại cả lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu lẫn lợi thế chiến lược trong quan hệ quốc tế. Do đó, cuộc đua chip toàn cầu ngày càng gắn liền với an ninh quốc gia và sức mạnh kinh tế.
Còn với AI, một trong những đóng góp rõ rệt nhất cho nền kinh tế toàn cầu là giúp tăng cường năng suất và hiệu quả. Vì thế, trong 10 năm qua, cuộc đua công nghệ AI đã bứt phá với tốc độ chóng mặt. Đại dịch Covid-19 thúc đẩy việc ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục và kinh doanh. Sự ra đời của ChatGPT vào năm 2023 kéo theo làn sóng AI tạo sinh ồ ạt tác động lớn đến cách con người tư duy và làm việc.
Với tầm quan trọng như thế, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, thương mại ngành công nghiệp bán dẫn và AI thời điểm hiện nay được cho là sôi động tương tự như… dầu mỏ của thế kỷ XX. Theo Gartner - tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu thế giới, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã lên tới hơn 464 tỷ USD vào năm 2020 và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên 624 tỷ USD trong năm 2024. Ngành bán dẫn được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Precedence Research, năm 2022, quy mô thị trường toàn cầu của phần mềm AI trị giá khoảng 138,4 tỷ USD. Đến năm 2023, quy mô ước tính đạt 207,9 tỷ USD và dự đoán giá trị thị trường sẽ tăng 788,64% để đạt 1.870 tỷ USD vào năm 2030.
Về thị trường, báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce vào tháng 12/2023 cho thấy, Đài Loan (Trung Quốc) nắm giữ 68% thị phần chip tiên tiến toàn cầu năm 2023, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hiện là nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới.
Cơ hội của Việt Nam
Tại Hội thảo, các đại biểu đều chung nhận định, Việt Nam là quốc gia đi sau trong cuộc đua bán dẫn - AI, nhưng được đánh giá là có tiềm năng to lớn và hội tụ đủ các điều kiện để nhanh chóng phát triển hệ sinh thái bán dẫn - AI, cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là bởi, “Việt Nam có thế mạnh với hệ thống chính trị ổn định; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có khát khao học hỏi và vươn lên; hệ sinh thái công nghiệp nâng đỡ gồm các khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã được hoàn thiện”, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính khẳng định.
Với các thế mạnh riêng, Việt Nam đang thu hút các tập đoàn chip toàn cầu đến đầu tư trong bối cảnh cuộc chạy đua bán dẫn đang nóng. Đặc biệt, những năm gần đây, sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã và đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút được các “đại bàng công nghệ” đến làm tổ và ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đến nay có khoảng 40 “ông lớn” trong ngành bán dẫn quốc tế như Renesas, Intel, Synopsys, Marvell, Ampere, Qualcomm, Infineon… đã đến Việt Nam.
Hiện, Việt Nam chính thức có hai doanh nghiệp nội địa bước vào sân chơi bán dẫn là FPT Semiconductor và Tập đoàn Viettel. Gần đây nhất, “tháng 4/2024, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA, đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam”, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt chia sẻ. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn (hàng trăm tỷ USD), đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao và quan trọng nhất là cần thời gian với một tầm nhìn dài hạn. Trong khi thực lực đầu tư từ Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, năm 2023, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó chia làm ba giai đoạn và sáu giải pháp chính. Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, cung cấp đủ số lượng nhân lực cho doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các thị trường phát triển khác.
Năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Đặc biệt, năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án bán dẫn sẽ được áp dụng những ưu đãi cao nhất khi hoạt động tại đây. Ngoài ra, Việt Nam còn có ba Khu Công nghệ cao được xây dựng và phát triển tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng hiện đại và nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Ở lĩnh vực đối ngoại, trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023, Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn và cam kết tích cực phối hợp với Việt Nam, nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cam kết này ngay sau đó đã được cụ thể hóa khi Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) và Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jesen Huang có chuyến thăm và làm việc tại NIC cơ sở Hòa Lạc.
Chia sẻ về nhiệm vụ của ngoại giao trong thúc đẩy phát triển bán dẫn và AI tại Việt Nam, TS. Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cho rằng, ngành Ngoại giao có thể hỗ trợ xây dựng bản đồ dữ liệu, nhằm xác định các quốc gia và công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này. Qua đó, xây dựng kế hoạch trọng tâm, trọng điểm thu hút các đối tác này và quảng bá hình ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong khía cạnh công nghệ ra thế giới.
Trong phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ mong muốn các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia có thể đề xuất, tham mưu cụ thể với các bộ, ngành (trong đó có Bộ Ngoại giao) và Chính phủ về các chính sách liên quan. Thứ trưởng tin rằng, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, trong tương lai ngành bán dẫn tại Việt Nam sẽ nâng tầm vị thế trên bản đồ công nghiệp khu vực và thế giới. Ngành Ngoại giao sẽ đồng hành trong thu hút các nguồn lực từ bên ngoài về để hiện thực hóa mục tiêu này.
| Ngoại giao Việt Nam đóng góp thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển công nghệ bán dẫn và AI Ngày 23/7, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo "Xu thế phát triển công nghệ bán ... |
| Giảm 'gặp gỡ' qua công nghệ để gắn kết gia đình Hình ảnh chiếc điện thoại trên bàn ăn ở nhiều gia đình Việt Nam trở nên quen thuộc. Tự bao giờ, cha mẹ và con ... |
| Nhật Bản thay đổi thiết kế tiền sau 20 năm, sử dụng công nghệ hiện đại đầu tiên trên thế giới Nhật Bản sử dụng công nghệ tiên tiến với hình ảnh ba chiều (holography) đầu tiên trên thế giới để tạo hiệu ứng xoay 3D ... |
| Công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở Malaysia: mô hình tham khảo cho Việt Nam Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia tập trung phát triển những ngành ... |
| Biến Google Maps thành bản đồ mặc định trên iPhone đơn giản, nhanh chóng Việc chuyển đổi qua lại giữa Apple Maps và Google Maps mỗi khi mở liên kết bản đồ trên iPhone khiến bạn cảm thấy phiền ... |