Sự hỗ trợ, chia sẻ chân thành của bạn bè quốc tế tiếp thêm động lực giúp anh vượt qua những khó khăn, vất vả tại một trong những quốc gia nghèo khó, bất ổn nhất thế giới, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao phó.
Sự sẻ chia trong gian khó
Rời xa người mẹ già, rời xa tổ ấm gia đình với người vợ thảo hiền và hai cô công chúa bé bỏng để nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Cộng hoà Trung Phi, xen lẫn niềm vinh dự tự hào là một chút lo lắng len lỏi trong tâm trí Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển khi nhận nhiệm vụ hoạt động hoàn toàn độc lập.
Dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng ngay khi đặt chân đến thị xã Bambari (thủ phủ tỉnh Ouaka), anh không khỏi bàng hoàng về sự khắt khe của thiên nhiên dành cho nơi này - chỉ có đất đỏ, sỏi đá và những ngôi nhà tranh, nhà đất chật hẹp, nơi sinh sống của hàng chục người trong một gia đình.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển với hoạt động giao lưu, tặng quà nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Nhóm Tác chiến Bambari. |
Di chuyển trên tuyến đường nằm ở khu vực trung tâm nhất của tỉnh Ouaka, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển gần như không thể nhận ra bất cứ dấu hiệu nào của hệ thống y tế, giáo dục, điện, nước sạch… tại nơi đây.
Mọi thứ đều vượt xa sức tưởng tượng của người lính mũ nồi xanh Việt Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hai tháng đầu tiên ở Phái bộ. Lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam không thể đến được Cộng hòa Trung Phi do tình hình an ninh diễn biến phức tạp tại quốc gia châu Phi này.
Trong khi đó, nguồn lương thực, thực phẩm địa phương rất khan hiếm. Phái bộ MINUSCA hạn chế gần như ở mức tối đa việc ra khỏi doanh trại ngoài mục đích thực hiện nhiệm vụ, bởi lực lượng phiến quân tại địa bàn thường xuyên trà trộn, đóng giả làm người dân địa phương, gây nguy cơ mất an toàn.
Nhưng cũng chính ở những thời điểm khó khăn đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cảm nhận rõ ràng hơn tình cảm ấm áp và tinh thần đoàn kết quốc tế từ những người đồng nghiệp mũ nồi xanh của mình.
Thấu hiểu điều kiện thiếu thốn vật chất của Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, đồng nghiệp của anh đã lần lượt chia sẻ những gì họ có. Trong gần hai tháng anh không nhận được lương thực, thực phẩm từ Việt Nam, đồng nghiệp của anh từ các quốc gia, châu lục, từ các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau, như: Serbia, Pakistan, Nepal, Maroc, Sierra Leone, Campuchia, Nga… mỗi người chuẩn bị bữa trưa nhiều hơn bình thường một chút để chia sẻ cùng anh tại văn phòng làm việc, coi đó như một cách để quảng bá ẩm thực dân tộc mình.
Dường như ai cũng cảm thấy vui hơn vì được giúp đỡ sĩ quan GGHB Việt Nam đang trong hoàn cảnh khó khăn. Không khí làm việc, sinh hoạt tại doanh trại Nhóm Tác chiến Bambari vì thế cũng trở nên ấm cúng, rộn ràng hơn. Sự chia sẻ bình dị nhưng hết sức quý báu đó cũng khiến người con xa xứ như anh có cảm giác được sống trong một gia đình thực sự.
Những nỗ lực của “lính mới’ tại Phái bộ
Đại úy Ljubisav Vicentijevic, sĩ quan GGHB Cộng hòa Serbia thu hoạch rau xanh từ vườn rau Việt Nam. |
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống, đạo lý ngàn đời thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Cứ sau mỗi ngày làm việc, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển lại dành thời gian tăng gia sản xuất, chăm sóc những luống rau xanh dành tặng cho bạn bè, đồng nghiệp quốc tế, đáp lại nghĩa cử cao đẹp của họ trong những thời điểm anh gặp khó khăn.
Bằng vốn kinh nghiệm dày dặn 23 năm quân ngũ, rau muống, rau bí, rau dền, mồng tơi…, anh đã khiến những loại rau đặc trưng của Việt Nam giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn của những sĩ quan GGHB Nhóm Tác chiến Bambari.
Khi nhận được lương thực, thực phẩm vận chuyển từ Việt Nam, anh không quên chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp. Vào ngày nghỉ, anh lại trổ tài nấu những món ăn Việt Nam để bạn bè quốc tế cùng thưởng thức và hiểu thêm về ẩm thực quê hương.
Dù là người châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á hay người theo đạo Hồi, tất cả đều yêu thích những món ăn Việt Nam được chuẩn bị công phu, gói gọn tình cảm “trước sau như một” của Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển.
Tập thể Nhóm Tác chiến Bambari chụp ảnh lưu niệm sau những giờ giao ban căng thẳng. |
Là “lính mới” tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc, làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa dạng văn hóa, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi tiếp cận công việc. Nhưng thật may mắn cho anh khi xung quanh đều là những đồng nghiệp luôn sẵn lòng hướng dẫn anh.
Bằng tinh thần, ý chí bền bỉ của “người lính Cụ Hồ”, với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng đội, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển hăng say nghiên cứu, không ngừng học hỏi và tiếp thu kiến thức từ các đồng nghiệp quốc tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã thể hiện sự vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ Liên hợp quốc giao, được cấp trên và bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.
Với đặc thù công việc của một sĩ quan tham mưu, thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển thường xuyên có cơ hội đi khảo sát, kiểm tra và nắm tình hình địa bàn.
Những tưởng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, xung đột, đau thương kéo dài sẽ khiến người dân nơi đây trở nên khó gần gũi, nhưng thật ngạc nhiên, mỗi mảnh đất, mỗi ngôi làng đi qua, anh đều được người dân bản địa đón chào, dành tình cảm trìu mến cho Việt Nam – đất nước trong tâm trí của họ là biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự chủ.
Thắt chặt mối đoàn kết quốc tế giữa Lực lượng GGHB Việt Nam và người dân địa phương trong mỗi chuyến khảo sát, nắm tình hình địa bàn. |
Công tác tại địa bàn có hạ tầng viễn thông kém phát triển cùng sự chênh lệch múi giờ giữa hai quốc gia, không phải lúc nào Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cũng có thể dễ dàng liên lạc với người thân, bạn bè, lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng (đơn vị chủ quản của Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển), lãnh đạo Cục GGHB Việt Nam.
Để xua tan đi những mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng, dịu bớt nỗi nhớ quê hương, gia đình, tăng cường tinh thần đoàn kết, anh tích cực tham gia các hoạt động giao lưu bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn hóa với đồng nghiệp quốc tế và các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
Bên cạnh giao lưu thể thao, giao lưu văn hóa, cứ đều đặn mỗi tối, anh và đồng nghiệp lại cùng nhau thưởng thức những tách trà, cà phê, kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống gia đình, về văn hóa, đất nước, con người ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Những buổi trò chuyện ấy là cầu nối giúp những người lính GGHB bất kể màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị xích lại gần nhau hơn, giúp họ thấu hiểu nhau hơn. Không biết từ bao giờ, họ coi nhau là người thân trong gia đình, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cùng đồng nghiệp quốc tế thưởng thức đặc sản trà Việt Nam. |
Nửa nhiệm kỳ công tác đã trôi qua, những khó khăn, vất vả ban đầu cũng đã qua đi, đọng lại trong tâm trí Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển là tình cảm, tình đoàn kết quốc tế trong sáng, bền chặt của những người bạn đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, của người dân địa phương - những người hằng ngày phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề và tâm trạng thấp thỏm, lo âu vì chiến tranh, xung đột nhưng luôn nở nụ cười thân ái chào đón sĩ quan GGHB Việt Nam.
Càng trải qua những thời khắc khó khăn, anh càng trân quý tình cảm, càng thêm yêu mến mảnh đất, con người nơi đây, thôi thúc anh và đồng nghiệp của mình cùng chung sức cống hiến vì sứ mệnh GGHB cao cả tại mảnh đất châu Phi đầy nắng và gió.