Lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn ở Afghanistan chỉ trong vòng một tuần. (Nguồn: AFP) |
Pakistan
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Zahid Hafeez Chaudhri nói với Geo News TV: “Chúng tôi lo ngại về tình hình ngày càng xấu đi ở Afghanistan… Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc đóng cửa đại sứ quán của mình”.
Liên minh châu Âu
Đăng tải trên mạng Twitter, Phó Chủ tịch Ủy ban EU Margaritis Schinas cho biết: “Đã hết thời gian mà chúng ta có thể chờ đợi để thông qua việc cải tổ hoàn toàn các quy định về di cư và tị nạn của châu Âu mà chúng ta cần”.
Mỹ
Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố trước khi Taliban tiến vào Kabul: “Thêm một năm, hoặc 5 năm nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu quân đội Afghanistan không thể hoặc sẽ không nắm giữ đất nước của mình.
Và sự hiện diện của người Mỹ giữa cuộc xung đột dân sự của một quốc gia khác không thể chấp nhận được đối với tôi”.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington khó có thể thay đổi chiến lược quân sự của mình ở Kabul trừ khi Taliban tác động đến hoạt động sơ tán nhân viên của đại sứ quán Mỹ.
Theo quan chức trên, Mỹ chưa thấy Taliban tiến vào Kabul một cách chính thức.
Khói bốc lên gần Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Afghanistan ngày 15/8. (Nguồn: AP) |
Nga
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết Nga đang làm việc với các nước khác để tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Afghanistan.
Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Ông Kabulov cũng cho biết Moscow chưa có kế hoạch sơ tán đại sứ quán của mình ở Kabul. Bộ Ngoại giao Nga sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Kabul và duy trì liên lạc với đại sứ quán.
Hãng thông tấn quốc gia Nga RIA dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Moscow vẫn chưa công nhận lực lượng phiến quân Taliban là chính quyền hợp pháp mới của Afghanistan.
Ấn Độ
Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ không đóng cửa ở Kabul nhưng các quan chức đang làm việc nhanh chóng để có kế hoạch sơ tán.
Thông tin cập nhật trên Times of India lúc 8h tối ngày 15/8 (giờ địa phương), chuyến bay Air India chở 129 hành khách từ Kabul đã hạ cánh ở thủ đô New Delhi.
Anh
Truyền thông trong nước đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ triệu tập quốc hội đang kỳ nghỉ hè để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Afghanistan và các bước đi tiếp theo của Anh.
Các lực lượng Anh lần đầu tiên được triển khai tới Afghanistan vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Tổng cộng 457 binh sĩ Anh đã thiệt mạng tại Afghanistan.
Đức
Bộ Ngoại giao Đức thông báo đóng cửa đại sứ quán của nước này ở Kabul trong ngày 15/8, đồng thời khuyến cáo công dân Đức rời khỏi Afghanistan.
Quân đội nước này sẽ cử các máy bay vận tải A400M tới thủ đô Kabul để sơ tán nhân viên đại sứ quán và những người bản địa. Trên mỗi chuyến bay đều có kèm theo 30 lính dù, nhiều khả năng sẽ đưa những người cần sơ tắn tới thủ đô Tashkent của Uzbekistan trước khi di chuyển về Đức.
Albania
Ngày 15/8, Thủ tướng Albania Edi Rama tuyên bố nước này chấp thuận đề nghị của Mỹ cung cấp nơi tạm trú cho những người tị nạn Afghanistan đang xin thị thực nhập cảnh Mỹ.
Theo ông Rama, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã đề nghị Albania - quốc gia cùng là thành viên NATO - xem xét xem liệu có thể hành động như một điểm trung chuyển cho một số người tị nạn Afghanistan muốn đến Mỹ hay không.
Trên tài khoản Facebook cá nhân, Thủ tướng Rama nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không nói 'không', không chỉ vì các đồng minh quan trọng của mình đề nghị mà vì chúng tôi là Albania".
Áo
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg cho biết sự bất ổn sẽ "tràn sang châu Âu".
Hãng tin APA của Áo dẫn lời ông nói trong thông báo về một hội nghị viện trợ để hỗ trợ các nước láng giềng Trung Á của Afghanistan: “Xung đột và bất ổn trong khu vực sớm muộn sẽ tràn sang châu Âu và do đó sang Áo”.
Hàn Quốc
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Afghanistan và Seoul đang "xem xét một số phương án".
Bộ trên từ chối xác nhận liệu việc sơ tán các nhà ngoại giao có phải là một trong những lựa chọn đang được xem xét hay không, nhưng đại sứ quán được cho là sẽ rút khỏi Afghanistan nếu tình hình xấu đi.
Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban ngày 15/8 thông báo lực lượng này đã ra lệnh cho các đơn vị tiến vào thủ đô Kabul để ngăn chặn tình trạng cướp bóc sau khi cảnh sát địa phương rút hết khỏi các vị trí. (Nguồn: Wion) |
Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại nhằm chấm dứt xung đột ở Afghanistan để người dân nước này được sống trong hòa bình, an ninh và tôn trọng có đi có lại.
“Tôi cũng chung nỗi lo lắng về tình hình ở Afghanistan. Tôi đề nghị các bạn cùng tôi cầu nguyện với Chúa cho hòa bình để chấm dứt giao tranh và tìm ra các giải pháp đối thoại”, Giáo hoàng Francis nói với những người hành hương và khách du lịch tại Quảng trường Saint Peter.
NATO
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Afghanistan đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Một quan chức NATO cho biết: “NATO liên tục đánh giá các diễn biến ở Afghanistan. An ninh của nhân viên NATO có ý nghĩa lớn nhất".
NATO đang duy trì sự hiện diện ngoại giao của khối này ở Kabul và giúp duy trì hoạt động của sân bay thành phố này.