Người dân từ Afghanistan trên đường đến Cổng Hữu nghị xuyên biên giới Pakistan-Afghanistan. (Nguồn: Reuters) |
Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/8, Tổng thống Erdogan cho rằng không thể tránh khỏi một làn sóng di cư mới nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết ở Afghanistan và Iran.
Ông nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có 5 triệu người tị nạn và không thể ứng phó thêm gánh nặng về người di cư.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) phớt lờ đề nghị của Ankara yêu cầu sửa đổi thỏa thuận năm 2016 nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn.
Theo thỏa thuận hồi tháng 3/2016, Ankara sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU qua Hy Lạp và Bulgaria.
Đổi lại, EU chi 6 tỷ Euro để giúp cải thiện điều kiện ăn ở tại các cơ sở tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiền này được dùng để cấp ngân sách trực tiếp cho các dự án xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Merkel đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các cơ quan viện trợ người tị nạn của Liên hợp quốc, ở Afghanistan và các nước láng giềng.
Theo Văn phòng Thủ tướng Đức, ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này vẫn là sơ tán người dân khỏi Afghanistan.
Kể từ ngày 18/8, Australia đã sơ tán hơn 550 người khỏi Kabul, trong đó có cả công dân Australia và những người Afghanistan có thị thực. (Nguồn: AFP) |
Cùng ngày, Australia đã điều 4 chuyến bay đến thủ đô Kabul của Afghanistan để sơ tán hơn 300 người, gồm công dân Australia, New Zealand, Mỹ, Anh và những người Afghanistan có thị thực.
Phát biểu với kênh ABC, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay sơ tán công dân phối hợp với các quốc gia đồng minh và đối tác.
Kể từ ngày 18/8, Australia đã sơ tán hơn 550 người khỏi Kabul, trong đó có cả công dân Australia và những người Afghanistan có thị thực.
Tuần trước, khoảng 8.000 người đã được đưa ra khỏi Afghanistan trên các chuyến bay do Mỹ, Anh và các nước thuộc EU tiến hành.
Australia đã cấp 3.000 thị thực cho những người Afghanistan rời khỏi đất nước trong khuôn khổ chương trình thị thực nhân đạo hiện hành là cấp 13.750 thị thực/năm.
Australia tham gia lực lượng quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại Afghanistan để đào tạo các lực lượng an ninh Afghanistan trong những năm sau khi lực lượng Taliban bị lật đổ vào năm 2001.
Nước này có hơn 39.000 quân nhân phục vụ tại Afghanistan, trong đó có 41 người bị thiệt mạng.