Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Belarus, vốn được áp đặt từ năm 2006, thêm 1 năm, đến ngày 16/6/2022. (Nguồn: White House) |
Theo thông báo từ Nhà Trắng: “Các hành động và chính sách của một số cá nhân là thành viên chính phủ Belarus và những người khác tiếp tục là mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".
Nhà Trắng cho biết, việc chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus là do “cuộc bầu cử về cơ bản là phi dân chủ vào tháng 3/2006” và các hành động “vi phạm nhân quyền liên quan đến đàn áp chính trị, bao gồm cả việc giam giữ và các trường hợp mất tích của người dân”.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gồm tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức vụ của quan chức chính quyền Belarus cũng được Washington liệt kê.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban bầu cử Belarus và một số quan chức. Sau đó, lệnh trừng phạt được áp dụng thêm cho 43 công dân của Belarus, bao gồm cả các quan chức cấp cao vì "tội phá hoại nền dân chủ" ở nước này.
Trong diễn biến khác, liên quan việc một số hãng hàng không châu Âu quyết định tránh không phận của Belarus sau vụ máy bay của hãng hàng không Ryanair buộc phải chuyển hướng và hạ cánh xuống sân bay Minsk, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, điều này đang tạo ra rủi ro cho hành khách.
Ông Grushko bóng gió: “Điều kỳ lạ là tất cả các quyết định trừng phạt đều được đưa ra trước khi hoàn tất cuộc điều tra thích hợp tại Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)”.
Thứ trưởng Grushko cho biết, Nga sẽ phê chuẩn tất cả các yêu cầu bay của các hãng hàng không tránh Belarus, song quá trình này có thể mất một thời gian.
Quan chức ngoại giao Nga cho hay: “Chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu, nhưng điều này không thể thực hiện bằng một cái búng tay, như một số đối tác của chúng tôi cố tưởng tượng. Những người đầu tiên đưa ra quyết định, nhưng dường như không thể suy nghĩ xa hơn”.