📞

Tình hình Belarus: Nghị viện châu Âu tuyên bố không công nhận Tổng thống Lukashenko, Minsk đáp trả

Thế Việt 07:25 | 18/09/2020
TGVN. Ngày 17/9, Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ không còn được công nhận là tổng thống bắt đầu từ tháng 11 khi ông mãn nhiệm.
Trong bối cảnh tình hình Belarus vẫn diễn biến phức tạp, Nghị viện châu Âu tuyên bố không công nhận ông Lukashenko là Tổng thống của nước này. (Nguồn: Reuters)

Với 574 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 82 phiếu trắng - số phiếu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ ở Belarus, EP đã bác bỏ kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8 ở Belarus, vốn bị phương Tây cáo buộc là gian lận.

Trong một tuyên bố, EP nêu rõ: "Một khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko kết thúc vào ngày 5/11 tới, EP sẽ không công nhận ông ta là tổng thống Belarus".

Bên cạnh đó, Nghị sĩ chủ trương ôn hòa Petras Austrevicius của Litva nói: "EU cần một cách tiếp cận mới với Belarus, trong đó có việc chấm dứt mọi sự hợp tác với chính quyền Lukashenko".

EP cũng đồng thời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào nhà lãnh đạo này.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu của EP không mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên nó có sức nặng chính trị và có thể ảnh hưởng tới cách thức EU đầu tư vào Belarus hay ảnh hưởng tới việc EU hỗ trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này.

Phản ứng với tuyên bố trên, hãng thông tấn Interfax đưa tin, Bộ Ngoại giao Belarus mô tả nghị quyết của EP là một hành động gây hấn điển hình và không mang tính xây dựng.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, một phát ngôn viên của EU cho biết, các ngoại trưởng của khối này cùng Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell sẽ gặp lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya tại Brussels vào ngày 21/9, trước khi nhóm họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Minsk.

Bà Tikhanovskaya đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/8 trong cuộc chạy đua với Tổng thống Alexander Lukashenko, nhưng đã buộc phải lưu vong ở Lithuania khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra chống lại Tổng thống Lukaschenko.

Dự kiến, ông Borrell sẽ chủ trì một cuộc họp không chính thức với bà Tikhanovskaya và ngoại trưởng các nước thành viên EU vào sáng 21/9.

Cũng trong ngày 17/9, các nước thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã chỉ định một nhóm chuyên gia độc lập để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc bầu cử tổng thống của Belarus tháng 8 vừa qua.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói rằng, về cơ bản, nhiệm vụ là buộc các nhà chức trách Belarus phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nghiêm trọng của họ đối với quyền của người dân nước này là được bầu cử tự do và công bằng, cũng như các quyền tự do cơ bản và một nhà nước pháp quyền.

Nhóm làm việc dự kiến sẽ công bố một báo cáo trong vòng 6-8 tuần tới. Họ cho biết sẽ điều tra các thông tin về việc đàn áp các ứng cử viên chính trị, nhà báo và nhà hoạt động, cũng như sử dụng vũ lực quá mức nhằm vào người biểu tình ôn hòa, bắt giữ và tra tấn bất hợp pháp.

(theo Reuters)