📞

Tình hình Dải Gaza: Mexico quan ngại sâu sắc; Israel nói về khả năng đạt thỏa thuận hòa bình, lên ‘kế hoạch kỹ lưỡng’ cho cuộc tấn công

Hải An 11:41 | 17/02/2024
Chính phủ Mexico hôm 16/2 cảnh báo khả năng leo thang quân sự tại thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo trong khu vực, cũng như vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo quốc tế.
Khói bốc lên trong một cuộc oanh tạc của Israel ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, tháng 2/2024. (Nguồn: Getty)

Đăng trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Mexico (SRE) bày tỏ quan ngại về khả năng Israel tấn công Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine bị mắc kẹt đang phải chuẩn bị sơ tán vì chiến tranh.

Cơ quan Ngoại giao Mexico đã nhiều lần kêu gọi các bên ngừng bắn, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở tới Gaza.

Hồi tháng 1, Mexico đã yêu cầu Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xem xét khả năng xảy ra tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột tại Dải Gaza, trở thành quốc gia Mỹ Latinh thứ 2 sau Chile đưa ra yêu cầu này.

SRE nhấn mạnh, động thái đó của Mexico và Chile xuất phát từ những quan ngại sâu sắc liên quan đến cuộc xung đột ngày một leo thang tại khu vực trên, đặc biệt khi dân thường là đối tượng của các cuộc tấn công vũ trang.

Trước đó, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố nước này không ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột vũ trang Israel-Hamas, khẳng định quan điểm mong muốn duy trì hòa bình, đồng thời hối thúc Liên hợp quốc nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết.

Trong diễn biến khác liên quan, báo Times of Israel ngày 16/2 đưa tin, Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) đã bác bỏ yêu cầu của Nam Phi về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thành phố Rafah ở Dải Gaza.

Tuy nhiên, cơ quan trên nhấn mạnh rằng, Israel phải tôn trọng các biện pháp được ICJ đưa ra vào cuối tháng trước trong vụ Nam Phi kiện Israel phạm tội diệt chủng tại Gaza.

Tuyên bố của ICJ khẳng định, “tình hình nguy hiểm ở Rafah đòi hỏi phải thực hiện ngay lập tức và hiệu quả các biện pháp tạm thời được đưa ra ngày 26/1, được áp dụng trên toàn Dải Gaza, kể cả ở Rafah”.

Theo tòa án, Israel “vẫn bị ràng buộc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước diệt chủng và phán quyết nói trên, bao gồm cả việc đảm bảo an toàn và an ninh cho người Palestine ở Dải Gaza”.

Trước đó, ngày 13/2, Nam Phi thông báo đã gửi “yêu cầu khẩn cấp” lên ICJ về việc xem xét liệu các hoạt động quân sự của Israel nhắm vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza có vi phạm các lệnh tạm thời mà ICJ đã đưa ra vào tháng trước hay không.

Cùng ngày 16/2, kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, thỏa thuận hòa bình giữa nước này và Hamas sẽ chỉ đạt được thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên.

Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Israel thẳng thừng bác bỏ các mệnh lệnh quốc tế liên quan đến một giải pháp lâu dài với người Palestine. Israel sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương công nhận một nhà nước Palestine”.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội nước này đang “lên kế hoạch kỹ lưỡng” cho cuộc tấn công dự kiến vào Rafah, nơi hơn một nửa dân số Gaza đang trú ẩn.

Ông Yoav Gallant tuyên bố: “Chúng tôi đang lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các hoạt động trong tương lai ở Rafah, một thành trì quan trọng của Hamas”, nhưng không đề cập thời điểm tiến hành cuộc tấn công.