Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ của Myanmar nên tuân theo những mong muốn của người dân nước này. (Nguồn: The Star) |
Trong thông điệp gửi tới hãng Reuters, văn phòng của bà Retno nêu rõ: "Quá trình chuyển đổi dân chủ toàn diện cần được tuân theo nguyện vọng của người dân Myanmar. Bất kỳ con đường nào sắp tới là phương tiện để đạt được mục đích này".
Bộ tưởng Ngoại giao Indonesia cho biết rất quan ngại về tình hình ở Myanmar và ủng hộ người dân Myanmar, "hạnh phúc và sự an toàn của người dân Myanmar là ưu tiên số một".
Bà Retno kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế tối đa để tránh đổ máu".
Trước đó, ngày 1/2, quân đội Myanmar đã bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.
Trước đó, quân đội cáo buộc đã có gian lận quy mô lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, mà theo đó, NLD đã giành đa số ghế tại cả lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau cuộc đảo chính, ngày 16/2 vừa qua, quân đội Myanmar đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing, làm Chủ tịch, người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước, Thiếu tướng Zaw Min Tun cho biết, quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng.
Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Đến nay, thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.