Đại sứ Trung Quốc tuyên bố, tình hình hiện nay tại Myanmar tuyệt đối không phải điều Trung Quốc muốn thấy, trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối vụ chính biến hôm 1/2 và yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhà lãnh đạo dân sự khác đang bị bắt giữ. (Nguồn: AP) |
Kể từ khi quân đội tiến hành vụ chính biến hôm 1/2 và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, quân đội đã vài lần chặn Internet. Hai đêm trước đó, Internet ở Myanmar đã bị ngắt từ 1h-9h, tình trạng này vẫn tiếp diễn trong ngày 17/2.
Thông báo trên mạng xã hội Twitter, NetBlocks nêu rõ: "Myanmar đang gần như bị ngắt Internet hoàn toàn trong đêm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình phản đối đảo chính".
Theo NetBlocks, kết nối Internet tại đây đã giảm xuống chỉ còn 19% so với mức thông thường.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối vụ chính biến leo thang tại Myanmar và quân đội đã bắt giữ hàng trăm người kể từ ngày 1/2.
Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải tuyên bố: "Chúng tôi nhận thấy bất đồng nội bộ trong Myanmar liên quan tới cuộc bầu cử đã tồn tại được một thời gian, song chúng tôi không biết trước về sự thay đổi về chính trị".
Đồng minh truyền thống của các lực lượng vũ trang Myanmar như Trung Quốc và Nga trước đó đã đẩy lùi nỗ lực chỉ trích của cộng đồng quốc tế về vụ chính biến, gọi đây là một sự can thiệp vào "các vấn đề nội bộ" của Myanmar.
Tuy nhiên, trong phát biểu đăng tải ngày 16/2, Đại sứ Trần Hải nói: "Diễn biến hiện nay tại Myanmar tuyệt đối không phải điều Trung Quốc muốn thấy".
Ông Trần Hải cũng cho biết, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên có thể giải quyết bất đồng một cách hợp lý, duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội, khẳng định, thông cáo báo chí mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi hòa giải và lập tức trả tự do cho những người bị bắt giữ "phản ánh lập trường chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir đã kêu gọi quân đội Myanmar cho phép Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener tới thị sát.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Bozkir cho biết, đang liên lạc với Đặc phái viên Burgener và theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Myanmar, đồng thời kêu gọi nhà chức trách tại đây để bà Burgener tới nắm tình hình và báo cáo trước Đại hội đồng LHQ.
Ông cũng nhấn mạnh việc lắng nghe nguyện vọng của người dân không bao giờ là quá muộn.