Nhỏ Bình thường Lớn

Tình hình Myanmar: Người biểu tình tiếp tục xuống đường, Thái Lan tuyên bố lập trường

TGVN. Ngày 2/3, người biểu tình tại Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối cuộc chính biến diễn ra hôm 1/2.
Tình hình Myanmar: Người biểu tình tiếp tục xuống đường, Thái Lan tuyên bố lập trường. (Nguồn: CNN)
Các cuộc biểu tình phản đối chính biến tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi ở Myanmar. (Nguồn: CNN)

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh cùng ngày, ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành cuộc họp trực tuyến đặc biệt để thảo luận cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Hàng trăm người biểu tình đã tập hợp tại khu vực Hledan của thành phố Yangon, nơi trước đó một ngày, cảnh sát đã liên tục sử dụng đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Nhiều người biểu tình đội mũ bảo hộ lao động, dùng sào tre và các đồ vật khác để dựng rào lũy không cho cảnh sát trấn áp bắt người, trong khi tiếp tục hô các khẩu hiệu chống chính quyền quân sự.

Các cuộc biểu tình dưới dạng tuần hành có sử dụng băng rôn và khẩu hiệu cũng tiếp tục diễn ra tại Dawei, một thành phố nhỏ ở Đông Nam Myanmar, nơi các cuộc biểu tình được tổ chức gần như hàng ngày kể từ khi xảy ra vụ đảo chính.

Một số người biểu tình mang theo tấm chắn tự chế để đối phó với khả năng cảnh sát địa phương sử dụng đạn hơi cay và đạn cao su.

Theo Liên hợp quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong vụ trấn áp người biểu tình ở Myanmar ngày 28/2. Tang lễ của một số nạn nhân đã được tổ chức trong ngày 2/3.

Liên quan tình hình Myanmar, ngày 1/3, Bộ Ngoại giao Thái Lan ra thông cáo báo chí khẳng định, là một nước láng giềng gần gũi và thân thiện của Myanmar và là một phần của đại gia đình ASEAN, Thái Lan đã và đang theo dõi những diễn biến ở Myanmar với sự quan tâm.

Bộ Ngoại giao Thái Lan bày tỏ hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ xuống thang.

Thông cáo viết: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên ở Myanmar sẽ hết sức kiềm chế và tham gia đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tình hình và trở lại bình thường vì lợi ích của người dân Myanmar”.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng, cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ là cơ hội tốt để lắng nghe từ phía Myanmar và để thảo luận giữa các thành viên trong khối về tình hình mới nhất cũng như cách Hiệp hội có thể đóng vai trò xây dựng trong việc đưa ra giải pháp hòa bình cho tình hình tại Myanmar.

TIN LIÊN QUAN
Tình hình Myanmar: Ấn Độ kêu gọi kiềm chế, Mỹ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt, thúc đẩy thảo luận ở HĐBA
Tin thế giới 1/3: Tổng thống Mỹ giải trình vụ không kích Syria; Nga sửa lời ông Biden; Bà Aung San Suu Kyi hầu tòa, ASEAN sắp họp về Myanmar
Tình hình Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện, Nhật Bản phản đối tình hình bạo lực, Canada cân nhắc các biện pháp bổ sung
Tình hình Myanmar: Mỹ và LHQ lo ngại, EU dọa trừng phạt, Indonesia ra tuyên bố chính thức
Nhận diện điểm nóng châu Á-Thái Bình Dương năm 2021 (Kỳ cuối): Ấn Độ-Trung Quốc, Myanmar và Triều Tiên

(theo AP)