Tình hình Myanmar, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong các vụ đánh bom tự chế trên toàn lãnh thổ trong ngày 14/5. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 14/5 thông báo, nước này sẽ đóng góp 4 triệu USD trong chương trình viện trợ lương thực khẩn cấp cho Myanmar để đối phó với tình trạng khủng hoảng nhân đạo do cuộc chính biến hôm 1/2 gây ra.
Khoản viện trợ trên, được phân phối thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ chi cho hoạt động cung cấp lương thực cho khoảng 600.000 người nghèo ở Yangon - nơi các nguồn cung cấp lương thực đã bị ảnh hưởng trầm trọng sau khi nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và chính quyền dân cử của bà bị lật đổ.
Phát biểu trước báo giới ở thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nêu rõ: “Khoản viện trợ mới nhất này là phần đóng góp của đất nước chúng tôi nhằm hỗ trợ cho các mục đích nhân đạo và để đáp ứng nhu cầu cấp bách sau cuộc đảo chính”.
Cùng ngày, trong cuộc gặp bà Christine Schraner Burgener - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Myanmar, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã hứa sẽ không buộc người tị nạn chạy trốn bạo lực phải quay trở lại Mynamar. Bà Burgener cũng bày tỏ hy vọng Bangkok sẽ giúp tìm cách tác động quân đội Myanmar để làm dịu cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở biên giới với Myanmar, đồng thời đã chuẩn bị một số khu vực làm nơi trú ẩn cho người tị nạn và cung cấp dịch vụ điều trị y tế.
Tháng trước, hàng nghìn người tị nạn từ bang Karen, phía Đông Myanmar, đã chạy trốn sang Thái Lan sau khi xảy ra các vụ không kích của quân chính phủ vào lực lượng phiến quân Karen. Những người tị nạn Myanmar đã ở lại trong vài ngày và giới chức Thái Lan thông báo họ đã tự nguyện quay trở về Myanmar.
Theo các nhân viên cứu trợ người tị nạn, hầu hết những người tị nạn Myanmar trốn trong rừng và không trở về nhà. Ước tính, có gần 50.000 người Myanmar đã phải rời bỏ nhà cửa do những cuộc giao tranh ở khu vực Karen kể từ đầu năm đến nay.
Trong một diễn biến khác, báo chí nhà nước Myanmar đưa tin cũng trong ngày 14/5, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong các vụ đánh bom tự chế trên toàn lãnh thổ nước này.
Tin cho biết 2 đối tượng đi mô tô đã ném một quả bom tự chế vào đội ngũ an ninh gần một trường đại học ở thị trấn Aytheya thuộc bang Shan, khiến 2 dân thường thiệt mạng.
Cùng ngày, các vụ đánh bom tự chế đã xảy ra gần một ngân hàng ở thị trấn Myitkyina và văn phòng chính quyền thị trấn Moe Mauk thuộc bang Kachin và một cửa hiệu ở thị trấn Pakokku trong khu vực Magway, khiến 6 người - trong đó có một nhân viên an ninh bị thương.
Trước đó, Truyền hình nhà nước ngày 14/5 đưa tin, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở một thị trấn của bang Chin sau khi đổ lỗi cho "những phần tử khủng bố có vũ trang" tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào một đồn cảnh sát và một ngân hàng trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội và những phiến quân sắc tộc thiểu số gia tăng ở các khu vực biên giới.
Trước sự phản đối đang lan rộng, chính quyền quân sự đã đấu tranh để duy trì trật tự trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày tại các thành phố và giao tranh tại các bang biên giới kể từ khi nhà lãnh đạo được bầu chọn Aung San Suu Kyi bị lật đổ.
Theo hãng thông tấn Myanmar, sự bất ổn tại thị trấn Mindat vào ngày 12-13/5 liên quan tới khoảng 100 người sử dụng súng tự chế để tấn công một đồn cảnh sát và khoảng 50 người nhằm vào Ngân hàng Kinh tế Myanmar.