📞

Tình hình Nga-Ukraine: LHQ đề xuất cơ chế khắc phục thiệt hại cho Kiev, NATO bàn về kịch bản chấm dứt cuộc xung đột

Hạnh Lê 12:51 | 09/11/2022
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức một phiên họp đặc biệt về Ukraine, trong đó đưa ra dự thảo nghị quyết đề xuất "cơ chế quốc tế khắc phục hậu quả" cho Ukraine với sự tham gia của Kiev. Dự thảo này sẽ được tiếp tục từ ngày 14/11.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đề xuất thành lập cơ chế quốc tế nhằm hỗ trợ Kiev khắc phục hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: HW)

Theo dự thảo nghị quyết, Đại hội đồng nhận định rằng, cần làm việc với Ukraine để lập một cơ chế quốc tế khắc phục thiệt hại, mất mát hay thương tích, cũng như những vấn đề phát sinh khác trong xung đột Nga-Ukraine.

Đồng thời, Đại hội đồng đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia thành viên để phối hợp với Ukraine, thiết kế một “danh sách quốc tế liệt kê các thiệt hại để làm hồ sơ tư liệu, bằng chứng và thông tin về thiệt hại, mất mát hoặc thương tật cho tất cả các cá nhân và pháp nhân liên quan, cũng như tình trạng của Ukraine”.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng một lần nữa kêu gọi sớm kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hiện các nước phương Tây, cùng với Ukraine đang trong quá trình soạn thảo, và có thể sẽ tiếp tục sửa đổi dự thảo cho đến khi bỏ phiếu vào tuần tới.

Trước đó, ngày 8/11, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nhắc đến những rủi ro khi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine nếu làm theo các điều kiện của Moscow.

Theo ông Stoltenberg, nếu Kiev chấp nhận các điều kiện của Moscow và “hòa giải với thực tế là Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”, thì có khả năng xung đột sẽ tái diễn trong tương lai.

Tổng thư ký NATO cho biết, đó sẽ là một “thảm họa” cho Ukraine. Hơn nữa, điều này cũng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho việc sử dụng vũ lực trong các cuộc xung đột với quốc gia láng giềng.

Ông khẳng định, trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Moscow đã đề nghị NATO ngừng mở rộng cũng như ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối, đồng thời yêu cầu NATO rút quân khỏi sườn phía Đông. Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố, NATO muốn chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, theo ông, nếu Ukraine dừng lại, nước này sẽ “không còn tồn tại”. Mặt khác, nếu Nga kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt, châu Âu khả năng cao sẽ có hòa bình.

Đại diện NATO cũng khẳng định, tổ chức này không phải là một bên tham gia xung đột, nhưng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

(theo Sputnik, TASS)