📞

Tình hình Sudan: Cựu Thủ tướng nói về ‘cơn ác mộng’; Liên hợp quốc lên tiếng

Minh Quân 07:23 | 01/05/2023
Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới nhất về tình hình Sudan, với nhiều nước tích cực triển khai việc sơ tán công dân.
Người dân của đất nước Đông Bắc Phi chạy trốn khỏi chiến sự tại thành phố Cảng Sudan. (Nguồn: AFP)

Ngày 29/4, phát biểu trong cuộc thảo luận với ông trùm viễn thông Mo Ibrahim tại thành phố Nairobi (Kenya), cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok nói: “Tôi cầu Chúa rằng tình hình Sudan sẽ không đạt đến điểm nội chiến đúng nghĩa… Nếu không, giao tranh ở Syria, Yemen, Libya sẽ chỉ là những vở kịch nhỏ”.

Theo ông, kịch bản này sẽ là cơn ác mộng và gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với thế giới. Nhấn mạnh tình trạng xung đột hiện tại là một “cuộc chiến vô nghĩa” giữa hai đội quân, cựu lãnh đạo Sudan cũng khẳng định sẽ không có bên nào giành chiến thắng khi bước ra khỏi cuộc chiến này và giao tranh phải dừng lại.

Ông Abdalla Hamdok từng giữ chức thủ tướng của quá trình chuyển đổi mong manh ở Sudan sang chế độ dân sự, trước khi bị lật đổ và giam giữ trong một cuộc đảo chính. Dù được phục chức sau đó, nhưng ông đã từ chức tháng Một vừa qua.

* Trong một tin liên quan, ngày 30/4, quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm góc đã điều tàu vận tải tốc độ cao USNS Brunswick tới thành phố Cảng Sudan để hỗ trợ sơ tán các hàng trăm công dân Mỹ còn mắc kẹt ở quốc gia Đông Bắc Phi.

Về phần mình, Anh thông báo đã sắp xếp thêm một chuyến bay sơ tán từ Cảng Sudan, khởi hành ngày 1/5. Hiện London đã sơ tán 2.122 công dân khỏi Sudan.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand khẳng định do tình hình nguy hiểm và xét quyết định của các đồng minh, Ottawa sẽ không lên kế hoạch thực hiện thêm bất kỳ chuyến bay nào từ Sân bay Wadi Seidna - một địa điểm gần thủ đô Khartoum của Sudan. Cụ thể, chính phủ nước này đã khuyến cáo các công dân nên tránh xa Sân bay Wadi Seidna do tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Thay vào đó, những ai muốn rời Sudan bằng đường bộ nên cân nhắc đi tới khu vực Cảng Sudan. Hiện tại, vẫn còn khoảng 230 công dân xứ sở lá phong bị mắc kẹt ở Sudan và đang tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua Bộ Các vấn đề Toàn cầu, cơ quan quản lý công tác lãnh sự và quan hệ đối ngoại của đất nước Bắc Mỹ.

Theo bà Anand, kể từ khi bắt đầu sơ tán công dân từ hôm 27/4, nước này đã thực hiện được 6 chuyến bay, với 2 chuyến gần nhất diễn ra trong ngày 29/4 và đã sơ tán được 550 người. Ngoài ra, khoảng 400 công dân và thường trú nhân Canada đã được sơ tán trên nhiều chuyến bay của Canada và các quốc gia đồng minh.

Hiện chính phủ Canada vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các nước đồng minh để lên phương án di chuyển thay thế, trong đó có lựa chọn sơ tán qua Cảng Sudan.

‎* Về phần mình, phát biểu ngày 30/4, Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết tổ chức này “hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài” mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra “đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực”. Một lần nữa, LHQ kêu gọi tất cả các đối địch ở đất nước Đông Bắc Phi này bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực chiến sự, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác viện trợ và chăm sóc y tế.

Cũng theo người phát ngôn trên, cùng ngày, Tổng thư ký Antonio Guterres đã quyết định “ngay lập tức” cử Phó Tổng thư ký phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với “cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan”.

Bộ Y tế Sudan cho biết xung đột vũ trang tại đây đã ảnh hưởng đến 12/18 bang, bao gồm khu vực Dafur và khiến ít nhất 528 người thiệt mạng, 4.600 người khác bị thương. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phải là cuối cùng.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cảnh báo xung đột có thể đẩy thêm hàng triệu người rơi vào nạn đói ở Sudan - nơi hiện có tới 15 triệu người đang cần hỗ trợ để vượt qua nạn đói.

(theo AFP/Reuters/TTXVN)