Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã rời khỏi đất nước từ ngày 8/12. (Nguồn: AFP) |
Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin, trong tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của phủ Tổng thống Syria ngày 16/12, ông al-Assad nêu rõ: "Trước hết, việc tôi rời Syria không phải là có kế hoạch từ trước và cũng không diễn ra trong những giờ cuối cùng của các trận chiến như một số người đã tuyên bố".
Ngược lại, ông al-Assad khẳng định đã ở lại Damascus, thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến những giờ đầu tiên của Chủ nhật (8/12), ngày mà phe đối lập tiến vào Thủ đô của quốc gia Trung Đông.
Tuyên bố cho biết thêm, khi các tay súng nổi dậy tiến vào Thủ đô, ông al-Assad đã di chuyển đến căn cứ Hmeimim của Nga ở thành phố duyên hải Latakia để "giám sát các hoạt động chiến đấu". Tuy nhiên, căn cứ này sau đó đã bị các tay súng đối lập tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
Theo ông al-Assad, dù có kế hoạch tiếp tục chiến đấu, song tối 8/12, Nga đã sơ tán ông ra khỏi Syria. Cựu Tổng thống Syria nói rõ: "Khi nhà nước rơi vào tay phe đối lập và mất đi khả năng đóng góp có ý nghĩa (cho đất nước), việc nắm giữ bất kỳ vị trí nào cũng trở nên vô nghĩa".
Lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng từ tỉnh Idlib ở Tây Bắc vào cuối tháng 11 và lần lượt chiếm được các thành phố từ tay lực lượng chính phủ mà không gặp nhiều kháng cự.
Phe đối lập đã tới Damascus vào rạng sáng ngày 8/12 và tuyên bố chấm dứt hơn 50 năm cai trị của gia đình al-Assad tại Syria. Phía Nga sau đó lập tức ra tuyên bố, ông al-Assad đã từ chức và kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Liên quan tình hình Syria, cùng ngày, trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas đã chỉ thị cho một nhà ngoại giao cấp cao tham gia với chính phủ lâm thời Syria do HTS lãnh đạo.
Đây là động thái mới nhất của EU nhằm thiết lập mối quan hệ với nhóm mới lên nắm quyền ở Syria. Về mặt quốc tế, nhóm này vẫn đang bị giám sát chặt chẽ do bị chỉ định là khủng bố.
Thông qua động thái này, Đại diện cấp cao Kallas cho biết, EU đang tìm cách ủng hộ một cuộc chuyển giao chính trị hòa bình ở Syria, tuy nhiên, liên minh này phải đối mặt với câu hỏi khó khăn là nên ủng hộ phe phái nào và nên tránh phe phái nào.
Các quốc gia châu Âu đang chia rẽ về việc liệu việc tham gia với HTS có gây nguy hiểm cho lập trường của EU chống lại chủ nghĩa khủng bố và làm tổn hại đến cam kết của khối đối với nhân quyền hay không.
Do đó, bà Kallas nhấn mạnh rằng, EU sẽ không sửa đổi chỉ định HTS là khủng bố, mà trước tiên, phe đối lập này phải thể hiện cam kết của mình đối với một Syria ổn định, đa đại diện, bảo vệ các nhóm thiểu số. EU sẽ theo dõi những tuần sắp tới để xác định xem HTS có thể đáp ứng được những kỳ vọng này hay không.