📞

Tình hình Syria: Nội bộ NATO bất đồng, SDF đề nghị làm theo sáng kiến của Đức

06:54 | 25/10/2019
TGVN. Ngày 24/10, chỉ huy hàng đầu của Các lực lượng dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo (SDF) Mazloum Abdi đã hoan nghênh một đề xuất của Đức về triển khai lực lượng quốc tế để thiết lập một vùng an ninh ở miền Bắc Syria.
Chỉ huy hàng đầu của SDF Mazloum Abdi. (Nguồn: Teaparty)

Trao đổi với báo giới, ông Abdi nêu rõ: "Chúng tôi đề nghị và nhất trí với việc này".

Tiếp tục các diễn biến liên quan đến tình hình Syria, cùng ngày, các Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như Nghị viện châu Âu (EP) đã chỉ trích chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria với sự giúp đỡ của Nga.

Ngày họp đầu tiên trong hội nghị kéo dài 2 ngày của NATO tại Brussels đã bị chi phối bởi vấn đề này, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ bị 29 quốc gia thành viên NATO cô lập bởi cuộc tấn công của Ankara đối với các chiến binh người Kurd mà nước này coi là "khủng bố" nhưng họ vốn là những nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Tuy vậy, NATO cũng thừa nhận rằng, họ có rất ít cơ chế để trừng phạt đồng minh chiến lược quan trọng này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã miêu tả các cuộc thảo luận là "thẳng thắn và cởi mở" - thay vì nói là tranh cãi nảy lửa - và nhấn mạnh rằng, "chúng tôi đã thấy trước sự bất đồng" nhưng liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn chịu đựng được.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, các bộ trưởng đã nhất trí cần thiết phải "duy trì sự thống nhất trong cuộc chiến chống IS".

Trong khi đó, phản ứng lại quyết định mà EP đưa ra nhằm chỉ trích và yêu cầu Ankara phải rút toàn bộ các lực lượng của mình khỏi lãnh thổ Syria, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thông cáo: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ lập trường được thông qua trong hôm nay (24/10) về Chiến dịch mùa Xuân Hòa bình… Thực tế, chúng tôi không bất ngờ với quyết định được đưa ra bởi những người liên tục chứa chấp những phần tử khủng bố trong nghị viện của họ".

Tuyên bố trên ám chỉ mối liên hệ giữa các nghị sỹ EP với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara đưa ra ngoài vòng pháp luật.

Thông cáo cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận mọi cáo buộc trong quyết định của EP, nhấn mạnh tính pháp lý của chiến dịch đã được thông qua bằng một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga. Việc EP ra một quyết định mang tính định kiến và trái ngược với thực tế là thiếu thiện cảm chung với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp tất cả những lời giải thích của Ankara.

(theo AFP, Tân Hoa xã)