Xe tăng Leopard-2. (Nguồn: Wikipedia) |
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD khi được hỏi về khả năng cung cấp cho Ukraine các xe tăng Leopard-1 hoặc Leopard-2, ông Habeck nói: "Dĩ nhiên là không loại trừ khả năng đó".
Theo quan chức Đức, nước này "đang nghiên cứu tình hình, sắp xếp hành động của mình với các quốc gia khác" và "sẽ quan sát xem cuộc thảo luận về vấn đề này ở Đức phát triển thế nào".
Bộ trưởng Habeck cho biết thêm, động lực cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ thay đổi tùy thuộc vào diễn biến chiến sự ở Ukraine.
Trước đó, hôm 4/1 Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cảnh báo, chiến sự sẽ nổ ra ngay trên chính lãnh thổ Đức nếu Berlin từ chối cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev.
Ông Danilov lập luận: “Nếu Thủ tướng Olaf Scholz muốn người Đức chiến đấu với người Nga tại Berlin và Stuttgart trên chính xe tăng của Đức, thì ông ấy có thể tiếp tục trò chơi này, tiến hành nghiên cứu xã hội học xem Đức có cần cung cấp xe tăng hay không”.
Kiev và các đối tác phương Tây của Berlin nhiều lần yêu cầu Đức tăng cường cung cấp khí tài quân sự cho các lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó có xe tăng hạng nặng Leopard 2.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz tuyên bố, Đức không có kế hoạch chuyển giao xe tăng hạng nặng cho các lực lượng vũ trang Ukraine nhằm tránh leo thang đối đầu với Nga.
Trong một tin khác liên quan tình hình Ukraine, mới đây, trong cuốn sách “Lãnh đạo: 6 bài học về chiến lược thế giới” của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết rằng: "Ukraine trung lập nên là giải pháp cho cuộc xung đột hiện tại”.
Ông Kissinger xác định, việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ đưa biên giới của liên minh đến gần Moscow hơn nữa. Do đó, việc mở rộng NATO "sẽ loại bỏ chiến lược mà Nga luôn tính đến".
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã không giải thích chính xác làm thế nào để đảm bảo an ninh cho Ukraine với tư cách là một quốc gia trung lập.