Tàu khu trục Đô đốc Makarov là một trong 3 tàu được Hải quân Nga trang bị tên lửa Kalibr và đưa đến Biển Đen. (Nguồn: RBC-Ukraine) |
Trang tin RBC-Ukraine dẫn thông báo của trung tâm báo chí phối hợp chung thuộc Lực lượng phòng vệ miền Nam Ukraine cho hay, Hải quân Nga đã đưa 3 tàu trang bị tên lửa hành trình vào hoạt động cùng lúc với tổng cộng ít nhất 16 tên lửa Kalibr.
Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi ghi nhận 2 tàu ngầm và tàu khu trục Đô đốc Makarov ra khơi”.
Kiev không loại trừ khả năng Nga có thể nhằm mục tiêu cơ sở hạ tầng cảng Odessa và các cảng trên sông Danube không chỉ bằng tên lửa hành trình mà còn bằng UAV kamikaze.
Lực lượng phòng vệ miền Nam Ukraine cũng nhắc nhở các đơn vị cảnh giác và phản ứng nhanh nhạy với các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm trên không.
Trong một thời gian dài, Nga đã không thực hiện các cuộc tấn công tên lửa, mà chỉ sử dụng máy bay không người lái (UAV) kamikaze Geran để tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhóm tàu trên khiến cả giới tinh hoa chính trị và quân sự Kiev lo lắng.
Với sự trợ giúp của các đối tác phương Tây, Ukraine đang theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của nhóm tàu này ở Biển Đen.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Reuters đưa tin, Kiev và Budapest đang nỗ lực chuẩn bị tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Thông tin từ chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho hay, ông đã trao đổi với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto về việc tổ chức cuộc gặp này, đồng thời khẳng định hai bên đang nỗ lực để cuộc gặp có thể diễn ra "trong tương lai gần".
Đây sẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Trong 2 năm qua, hai nhà lãnh đạo chỉ gặp nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Orban vẫn đang căng thẳng do Budapest liên tục ngăn chặn nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc cung cấp viện trợ tài chính cho Kiev, cũng như phản đối bất kỳ việc chuyển giao vũ khí nào cho quốc gia láng giềng Ukraine đang có xung đột với Nga.
Thủ tướng Orban cũng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đến nay, ông Orban là một trong số ít các nhà lãnh đạo EU không đến thăm chính thức Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.