Tàu Sergey Kotov của Nga, hiện đang tuần tra trên Biển Đen, trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine những ngày qua. (Nguồn: Andrey Brichevsky/Kchf.ru) |
* Nga: Ukraine tìm cách đánh chìm tàu tuần tra: Ngày 25/7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo chặn đứng nỗ lực tấn công bất thành của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) nhằm vào tàu Sergey Kotov thuôc Hạm đội Biển Đen Nga.
Cụ thể, sau đợt tấn công chiều tối 25/7, VSU đã cố tấn công tàu tuần tra Sergey Kotov bằng cách sử dụng 2 xuồng cao tốc không người lái. Vào thời điểm bị tấn công, tàu Sergey Kotov đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hàng hải ở Tây Nam Biển Đen, cách cảng Sevastopol 370 km về phía Tây Nam.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, nỗ lực tấn công của VSU đã bị đẩy lùi. Trong quá trình đáp trả, tàu Sergey Kotov đã phá hủy cả 2 chiếc xuồng ở khoảng cách lần lượt là 1.000m và 800m.
Các tình huống và chi tiết của vụ việc hiện đang được làm rõ.
* Nga đạt bước tiến theo hướng Krasnoliman: Ngày 25/7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố: “Trong quá trình thực hiện các chiến dịch phản công thành công, các đơn vị của lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15, dưới sự chỉ huy của Trung tá Builov, đã kiểm soát khu dân cư Sergeevka”.
Ông cho biết, mỗi ngày, tổng thiệt hại của đối thủ là “190 binh sĩ, 6 xe chiến đấu bọc thép, 5 xe bán tải, 2 pháo phóng lựu D-20, 1 pháo D-30, 2 pháo tự hành Gvozdika và trạm radar phản pháo AN/TPQ-50 do Mỹ sản xuất”.
Trung tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh, cũng theo hướng này, quân đội Nga đã ngăn chặn thành công hành động của một nhóm phá hoại và trinh sát, đồng thời phá hủy các kho đạn dược của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 44 của VSU.
* Ukraine có thể giành "chiến thắng" vào mùa Hè tới: Trong phát biểu với CNN (Mỹ) đăng tải ngày 24/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tin tưởng rằng, nước này sẽ giành "chiến thắng vào mùa hè tới" và mở ra cánh cửa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tháng 7/2024.
Ông Reznikov nói: “Sau chiến thắng, NATO sẽ cảm thấy lợi ích (để kết nạp Ukraine) vì chúng tôi đã trở thành một 'chiếc khiên' phía Đông của NATO và toàn bộ châu Âu”.
Về vụ tấn công cầu Crimea, quan chức trên nhận định, hoạt động này sẽ giúp giảm thiểu thương vong cho Ukraine: “Việc tấn công vào đường dây hậu cần của đối thủ để ngăn nguồn đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm…là chiến thuật không mới. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang sử dụng chiến thuật như vậy”.
* Mỹ lần đầu gửi vũ khí này tới Ukraine: Ngày 25/7, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá tới 400 triệu USD. Đáng chú ý, khoản viện trợ mới sẽ lần đầu tiên bao gồm máy bay không người lái (UAV) Hornet do FLIR Systems chế tạo, ngoài ra còn có đạn dược phòng không, xe bọc thép và vũ khí chống tăng.
Theo thông tin tiết lộ trước đó, gói viện trợ này cũng bao gồm tên lửa cho Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến (NASAMS), cũng như các loại tên lửa Stingers và Javelins.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cung cấp đạn pháo và 32 chiếc xe tăng Stryker, cùng thiết bị nổ, súng cối, rocket Hydra-70 và 28 triệu viên đạn cho vũ khí loại nhỏ.
Gói viện trợ này sẽ được Mỹ triển khai bằng cách sử dụng Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép Washington chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là gói hỗ trợ an ninh thứ 43 của Washington dành cho Kiev, nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên tới hơn 43 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia Đông Âu vào tháng 2/2022.