📞

Tình hữu nghị Việt Nam - Australia và những cây cầu biểu tượng

15:12 | 08/03/2013
40 năm trôi qua kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia (26/2/1973 - 26/2/2013), mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã chín muồi và phát triển đa dạng, Góp phần củng cố và làm thắm thiết thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc…

Khi nhắc đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia, người ta thường hay nghĩ đến những cây cầu, những biểu tượng của mối quan hệ ngày càng phát triển và thiết thực giữa Việt Nam - Australia.

Từ Mỹ Thuận đến Cao Lãnh

Mỹ Thuận - một biểu tượng sống động về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Cây cầu là điểm nối quan trọng của Quốc lộ 1A, nối đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, giúp cho việc giao thông giữa các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long với phần còn lại của đất nước được tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng.

Mỹ Thuận vốn là tên của một ngôi làng nhỏ nằm bên tả ngạn sông Tiền. Từ những năm 1930, xe cộ và khách bộ hành phải dùng phà để qua hữu ngạn, thuộc tỉnh Vĩnh Long, và bến phà được gọi là bắc Mỹ Thuận.

Trước đây, hạ tầng giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là kém nhất cả nước, do nguồn vốn đầu tư cho vùng này rất nhỏ giọt. Đã có nhiều diễn đàn, hội thảo kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực này nhằm thúc đẩy giao thương và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao dịch, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Nhưng chỉ đến khi dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận ra đời thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn hầu như chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào đáng kể, cả về hạ tầng giao thông lẫn y tế, giáo dục trong hơn hai thập niên trước đó mới bắt đầu có những đầu tư quan trọng về hạ tầng.

Nhân dịp Chính phủ Australia có dự án xây dựng "Những chiếc cầu Hữu nghị trên sông Mekong" nối liền giữa Lào và Thái Lan, chính phủ VN đã kêu gọi Australia giúp xây dựng cầu Mỹ Thuận. Thời điểm đó, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận có thể coi là một dự án trọng điểm, khởi đầu giai đoạn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cấp chính phủ được thiết lập giữa VN và Australia.

Dự án được phía Australia (dưới thời Thủ tướng Paul Keating) cam kết thực hiện từ năm 1994, sau một thời gian trì hoãn, đến tháng 5/2000, cây cầu với vai trò là huyết mạch quan trọng nối liền khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các vùng đã chính thức hoàn thành.

Có mặt tại buổi lễ khánh thành cây cầu vào thời điểm cách đây 13 năm, cựu Đại sứ Australia tại VN ông Michael Mann nhớ lại: "Tôi rất tự hào vì dự án được hoàn thành tốt đẹp. Hàng nghìn người từ khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ nô nức kéo về để được chiêm ngưỡng cây cầu mà họ đã mong chờ từ lâu".

"Không khí hôm khánh thành cầu Mỹ Thuận thật đặc biệt. Đó là niềm vui của rất nhiều người, nhiều thế hệ. Nhiều cụ già, những người lớn tuổi đến ngắm nghía, có người còn đi bộ để sờ tay lên thành cầu một cách rất trân trọng. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một cây cầu bắc qua những con sông lớn như vậy. Tôi thấy có lẽ đó là một trong những công trình thiết thực nhất giúp cho vấn đề giao thông, nối con người lại với nhau, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hóa xã hội ", anh Nguyễn Hoàng, một trong hàng nghìn người dân đến xem khánh thành cầu kể lại.

Với ý nghĩa là góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp cho hàng hóa của nông dân có thể tiếp cận thị trường được dễ dàng, và thuận lợi hơn, chỉ một năm sau, khi chiếc cầu được đưa vào sử dụng, thu nhập của người dân hai bên bờ sông đã tăng 30%.

Từ khi cây cầu Mỹ Thuận - cây cầu biểu tượng của tình hữu nghị VN được xây dựng, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng sâu sắc. Australia hiện là một trong những nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho VN. Trong năm tài khóa 2012-2013, ODA của Australia cho VN là 150,4 triệu USD.

Tiếp nối Mỹ Thuận, mới đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 - 2013), Chính phủ Australia tiếp tục cam kết cho một dự án viện trợ lớn nhất của Australia tại VN - đó là dự án xây dựng cầu Cao Lãnh với khoản viện trợ lên tới 160 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2013. Cây cầu sẽ kết nối 5 triệu người với các thị trường trong khu vực Đồng bằng Cửu Long và khu vực Đông Nam Á.

Những cây cầu tri thức

Nếu cầu Mỹ Thuận hay sắp tới đây là cầu Cao Lãnh, là những biểu tượng đẹp cho mối quan hệ hợp tác giữa VN và Australia trong lĩnh vực kinh tế và viện trợ phát triển thì ĐH RMIT - Đại học 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở VN có thể coi là cây cầu tri thức, biểu tượng của mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman, các chương trình đào tạo của Australia hiện cũng ngày càng được mở rộng trong  hợp tác với các cơ sở giáo dục của Việt Nam, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam hơn hưởng lợi ích từ nền giáo dục Australia.

Ông Simon Crean, cựu Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo của Australia, từng đến thăm VN năm 1994, cho rằng quyết định của chính phủ VN mời Australia hợp tác để xây dựng trường đại học quốc tế năm 1998 là một quyết định quan trọng, không chỉ định hướng phát triển hệ thống giáo dục mà còn mở rộng cho nhiều người dân được tham gia đào tạo, giáo dục.

"Tôi cũng nghĩ điểm cạnh tranh được VN cân nhắc đó là Australia có chất lượng xuất khẩu giáo dục tốt, thành công, không đắt đỏ như châu Âu hay những trường nằm trong hệ thống giáo dục đầu bảng của Mỹ... Một trong những lý do nữa mà VN có sự hợp tác trân trọng với chúng tôi xuất phát từ thiện chí công nhận và thiết lập quan hệ song phương từ sớm với VN cách đây 40 năm", ông nhấn mạnh.

Năm 2000, RMIT Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép giảng dạy các chương trình đại học, sau đại học, đào tạo và nghiên cứu tại VN. Trường bắt đầu tuyển sinh tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2001 và tại Hà Nội vào năm 2004. Năm 2005, trường khánh thành và đưa vào sử dụng một cơ sở đào tạo mới và hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay trường đã có 6.000 sinh viên, trở thành chi nhánh châu Á trong chiến lược phát triển của RMIT.

Với các chuyên ngành giảng dạy đa dạng: thương mại, kế toán, thiết kế đa truyền thông, công nghệ thông tin, truyền thông chuyên nghiệp… tại RMIT Việt Nam, các sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế, thông thạo tiếng Anh và có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường thương mại toàn cầu. Sinh viên tốt nghiệp RMIT Việt Nam cũng được nhiều doanh nghiệp săn đón. Nhiều cựu sinh viên hiện đang làm việc tại nhiều công ty tập đoàn lớn của quốc tế như HSBC, Toyota, ANZ, Bluescope Steel, Unilever và Saatchi & Saatchi…

Đại học Queensland, Đại học La Trobe, Đại học Swinburne và Trường dạy nghề Box Hill đều đã thành lập các đối tác giáo dục lâu dài, cùng có lợi tại Việt Nam.

Trong các đối tác tài trợ học bổng cho Việt Nam, Australia luôn là nước tài trợ học bổng nhiều nhất cho du học sinh Việt Nam, vượt qua các nước như Mỹ, Anh, Singapore. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ký thỏa tuận với 19 trường đại học của Australia hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học.

Ngoài học bổng của Chính phủ Australia, kể từ năm 2000 đến nay, số lưu học sinh được cử đi học theo nguồn kinh phí ngân sách nhà nước Việt Nam gồm (Đề án 322, Đề án xử lý nợ Nga, Chương trình Công nghệ sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)... lên tới gần 1.000 người. Phan Mích