Những người « nặng tình » với Việt Nam
Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam Ts. Dashtsevel. Ảnh: N. Kim |
Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam Ts. Dashtsevel vẫn còn nhớ và sẽ nhắc mãi đến người tiền bối và là người sáng lập Hội - Trung tướng, Anh hùng Lao động J.Jamian – người từng có vinh dự gặp mặt Bác Hồ 8 lần. Trong những năm tháng khó khăn cách đây hơn 60 năm, chính ông Jamian đã đứng ra kêu gọi người dân Mông Cổ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Lúc đó, Mông Cổ đã trở thành một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng nhất.
Tình yêu Việt Nam của Jamian đã truyền lại cho cho các thế hệ sau. Ngôi trường học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cháu gái của ông - bà B. Tsetsegee - là Hiệu trưởng – hiện đã kết nghĩa với trường PTTH Chu Văn An ở Hà Nội và có nhiều hoạt động trao đổi hợp tác thể hiện mối quan hệ khá gắn bó, khăng khít giữa hai nước.
Bản thân Ts. Dashtsevel, người vừa xuất bản cuốn sách tiếng Mông Cổ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng không khỏi xúc động khi khoe tấm Huân chương được Việt Nam trao tặng.
«Chính phủ Việt Nam đã tặng tôi Huân chương hữu nghị này nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Hôm nay, tôi cố tình đeo nó để Thủ tướng và các Bộ trưởng nhìn thấy », ông nói bằng tiếng Việt khá trôi chảy trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.
Ông Dashtsevel còn tặng Thủ tướng cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Mông Cổ mà theo ông, qua những tác phẩm văn học này, lớp trẻ của Mông Cổ sẽ hiểu hơn về Việt Nam, yêu Việt Nam nhiều hơn… Ông cũng cho biết đã liên tục thuyết phục trường Đại học Nông nghiệp Mông Cổ nhận thêm nhiều học sinh đến từ Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Purevsuren Lundeg đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay. |
Những tình cảm đó đã góp phần thúc đẩy quyết tâm của lãnh đạo hai bên trong việc củng cố và tăng cường quan hệ song phương. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo Mông Cổ từ Tổng thống Ts.Elbegdorj, Thủ tướng J. Erdenebat đến Chủ tịch Quốc hội Miyegombo Enkhbold đều nhấn mạnh, Mông Cổ coi Việt Nam là đối tác chính trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại coi trọng quan hệ với Việt Nam thời gian tới.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Mông Cổ dành cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong trao đổi, lãnh đạo hai bên khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường mối quan hệ tốt đẹp đó trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm chính thức Mông Cổ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là chuyến thăm Mông Cổ sau 12 năm của Thủ tướng Việt Nam, sau 8 năm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam còn đặc biệt có ý nghĩa khi hai nước đều vừa có Chính phủ mới, là cơ hội để Lãnh đạo hai nước tiếp xúc, tạo dựng quan hệ tin cậy, là cơ sở quan trọng để củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.
Tháo dỡ rào cản
Thẳng thắn thừa nhận sự phát triển quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư hiện chưa tương xứng với tiềm năng cũng như sự phát triển của quan hệ chính trị giữa hai nước, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ, ngành hai bên, các đại biểu đều cho rằng, cả Việt Nam và Mông Cổ chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác, do những rào cản về địa lý, về chi phí vận chuyển.
Theo bà Burmaa Radnaa, Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ, được thiên nhiên ưu đãi, Mông Cổ có lượng gia súc rất lớn, có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi cũng như chế biến thịt, da giày… Còn Chủ tịch Liên minh Giới chủ Mông Cổ cho biết, những năm gần đây, Mông Cổ đang tập trung đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên rất cần lao động nước ngoài. Nước này cũng đang nỗ lực tham gia các hiệp định thương mại tự do để tìm kiếm các tuyến đường vận chuyển mới tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Thủ tướng hai nước chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa VCCI và Liên đoàn Giới chủ Mông Cổ, tại Cung Nhà nước. |
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể vào thị trường Mông Cổ. « Việt Nam có thể cung cấp cà phê, cà chua, dưa chuột cho ba triệu dân của Mông Cổ trong 20 năm liên tục. Việt Nam còn có thể cử sang Mông Cổ những đội lao động lành nghề nhất”, Thủ tướng nói. Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có nhu cầu đầu tư vào Mông Cổ trên một số lĩnh vực như khai khoáng, dầu khí, xây dựng,… Bên cạnh đó, một Mông Cổ “bí ẩn” với cả thế giới và Việt Nam cũng là một yếu tố có thể giúp hai bên thúc đẩy hợp tác về du lịch, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng, các doanh nghiệp Mông Cổ đặt chân vào thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận rộng rãi với thị trường thế giới, thị trường ASEAN. “Các doanh nghiệp của Mông Cổ cần có tầm nhìn xa hơn để mở rộng cửa thương mại chứ không chỉ nhìn trực tiếp vào Việt Nam”, Thủ tướng gợi mở.
Về rào cản địa lý và chi phí vận chuyển hàng hóa giữa hai nước, Thủ tướng cho rằng, hai bên có thể thiết lập kênh vận tải mới, như bằng đường hàng không. Trước các doanh nghiệp Mông Cổ, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Mông Cổ vào hoạt động tại Việt Nam với tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Khó khăn còn ở phía trước, nhưng với tiềm năng sẵn có, cùng quyết tâm của lãnh đạo và nỗ lực của giới doanh nghiệp hai bên, có thể tin tưởng trong thời gian tới, kim ngạch thương mại song phương không dừng ở mức 35 triệu USD, và con số công ty Mông Cổ xuất khẩu thịt chín và thịt đông lạnh vào Việt Nam cũng không chỉ là số 4 như hiện nay, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết.
Cũng hoàn toàn có cơ sở để hy vọng một ngày không xa, các sản phẩm đồ da, len cashmere “Made in Mongolia”, sẽ có mặt nhiều hơn ở Việt Nam. Người Mông Cổ cũng sẽ không chỉ quen với nhà hàng phở rất lớn vừa được khai trương ở trung tâm thủ đô Ulaanbaatar, hay chỉ ghé đến hơn 70 cơ sở sửa chữa xe ô tô của người Việt, mà còn có thể quen ăn gạo Việt Nam, uống cà phê Việt Nam và mặc quần áo “Made in Vietnam”...
Hai nước sẽ “xích lại gần nhau hơn” từ những hoạt động kinh tế đó. Tình cảm giữa những người dân với nhau cũng sẽ ngày một gắn bó khăng khít hơn, và đúng như lời Thủ tướng nói khi căn dặn cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ulaanbaatar, trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực nhiều biến động khó lường như hiện nay, những tình cảm chân thành và sự tin cậy thân thiết giữa những người bạn bè là rất đáng quý, cần được vun xới liên tục theo thời gian.
Nâng tầm hiệu quả của ASEM
Sau chuyến thăm Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Ulaanbaatar (15-16/7). Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đề xuất nâng cao hiệu quả hợp tác của ASEM hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu. Theo đó, cần xác định kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM; đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, giữ gìn hòa bình, ổn định nhất là hỗ trợ nỗ lực giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó các thách thức toàn cầu; và hợp tác theo “phương cách ASEM” cần chú trọng yếu tố hiệu quả, thiết thực. Đề nghị hợp tác trong ASEM về việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải tại Biển Đông, mọi tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là chuyến thăm chính thức Mông Cổ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là chuyến thăm Mông Cổ sau 8 năm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Chuyến thăm này đặc biệt có ý nghĩa khi hai nước đều vừa có Chính phủ mới, là cơ hội để Lãnh đạo hai nước tiếp xúc, tạo dựng quan hệ tin cậy, là cơ sở quan trọng để củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. |
Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á – Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 20 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia Á, Âu. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất,; mong muốn các nước, các đối tác tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới.
Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về phán quyết của Tòa trọng tài; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng cáctiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết vấn đề phù hợp với luật pháp quốc tế.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao vai trò, uy tín của Việt Nam trong khu vực; mong muốn tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ với Việt Nam và chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEM 11. |
Chỉ trong vòng 3 tháng, cùng với các chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN – Nga và Hội nghị G7 mở rộng (tháng 5/2016), chuyến thăm chính thức Mông Cổ và dự Hội nghị Cấp cao ASEM 11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định thông điệp chung là: Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì lợi ích của không chỉ Việt Nam mà cho cả khu vực và cộng đồng quốc tế; đồng thời tiếp tục thể hiện Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.