📞

Tinh thần cộng đồng làm nên bản sắc văn hoá ASEAN

TRỌNG VŨ 17:44 | 07/08/2024
Bà Nguyễn Phương Hoà - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định giá trị nổi bật của ASEAN sau 57 năm hình thành và nỗ lực phấn đấu chính là tinh thần cộng đồng làm nên bản sắc “thống nhất trong đa dạng”.
Khai mạc Triển lãm Sắc màu văn hoá ASEAN tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và tiến tới một bản sắc chung, bà có nhận xét gì về sự tiến triển của hợp tác văn hoá ASEAN những năm gần đây?

Ngay từ khi thành lập, ASEAN đã chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, nâng cao hiểu biết về các nền văn hoá trong ASEAN và ngoài khu vực. ASEAN huy động các nguồn lực khác nhau, bao gồm các nguồn lực của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, các nước đối thoại để cùng với Quỹ Văn hoá ASEAN duy trì và làm phong phú thêm hoạt động văn hoá quan trọng.

Thực tế, các hoạt động văn hóa và nghệ thuật của ASEAN diễn ra rất sôi nổi và đa dạng trong các cơ chế hợp tác đa phương như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (AMCA), Quan chức cấp cao phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (SOMCA), Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (COCI), Tiểu ban Văn hóa ASEAN (SCC)…

Những năm gần đây, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác văn hóa qua nhiều hoạt động thực chất, hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm. Các nước thành viên đã cùng nhau triển khai các dự án văn hóa lớn như dự án Liên hoan nghệ thuật ASEAN, dự án dịch các tác phẩm văn học ASEAN, số hóa di sản ASEAN, dự án Sách ảnh ASEAN…

Bên cạnh hợp tác nội khối, hợp tác giữa ASEAN với một số nước đối thoại là một nhu cầu tất yếu, rất được coi trọng. Trong đó, có các dự án điển hình như dự án số hóa Di tích cố đô Huế, Ủy ban Âm nhạc ASEAN-Hàn Quốc, Dàn nhạc truyền thống châu Á (ASEAN và Hàn Quốc hoạt động liên tục từ năm 2009), dự án Mạng lưới hợp tác các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ASEAN-Nhật Bản, dự án lưu trữ kỹ thuật số đối với di sản văn hóa trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản, triển lãm ASEAN-Trung Quốc CAEXPO mang sứ mệnh củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và ASEAN…

Có thể thấy, những kết quả hợp tác văn hóa góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành chỗ dựa tinh thần của 10 nước thành viên, giúp gắn kết hơn giữa con người với con người, đóng góp vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN đang ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và các quốc gia.

Theo bà, đâu là những nhân tố tạo nên thành quả của sự hợp tác này?

Tôi cho rằng một trong những nhân tố có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển văn hóa của ASEAN chính là cội nguồn bản sắc văn hoá của khu vực.

ASEAN được biết đến là một khu vực có nền văn hóa đa dạng, phong phú trên thế giới. Bởi vậy, giá trị nổi bật của ASEAN sau 57 năm hình thành và nỗ lực phấn đấu chính là tinh thần cộng đồng làm nên bản sắc “thống nhất trong đa dạng”.

Hơn nửa thế kỷ đồng hành đã đưa các nước thành viên ASEAN gắn kết bên nhau, những khác biệt ban đầu dần nhường chỗ cho đối thoại, hợp tác, thấu hiểu và sẻ chia.

Thực sự, mỗi khi đi ra nước ngoài, chúng ta càng cảm nhận rõ nhất về bản sắc văn hoá ASEAN cùng tinh thần cộng đồng ấy. Chẳng hạn như trong khuôn khổ Triển lãm World Expo 2020 Dubai, các nước thành viên ASEAN đã cùng tổ chức Ngày tôn vinh ASEAN với một loạt sự kiện gồm lễ khai mạc và chiếu phim giới thiệu sự đa dạng của khu vực.

Tại các hội nghị hay diễn đàn đa phương, người ASEAN luôn tìm đến nhau bởi sự gần gũi và có tiếng nói chung. Chính sự hiểu biết về nhau, sự kết nối và chia sẻ thường xuyên góp phần tạo nên những thành quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác văn hoá giữa các nước ASEAN.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trong hợp tác văn hóa ASEAN, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực, đóng góp vào thành công chung ra sao, thưa bà?

Thời gian qua, Việt Nam luôn phát huy các sáng kiến, chủ động đăng cai và phối hợp với các nước thành viên ASEAN tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ASEAN góp phần thể hiện tinh thần, bản sắc, tình đoàn kết, hữu nghị của các quốc gia ASEAN với bạn bè quốc tế.

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham gia các hội nghị văn hóa của ASEAN được tổ chức theo cơ chế luân phiên tại các nước thành viên ASEAN, đồng thời hết sức nghiêm túc triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161).

Đáng chú ý, năm 2022, chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được chú trọng tổ chức tại Việt Nam bao gồm Triển lãm Sắc màu Văn hóa ASEAN tại Hà Nội; Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022 tại Hội An, Quảng Nam; Tuần Phim ASEAN tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế tổ chức Triển lãm Trang phục truyền thống ASEAN.

Năm 2023, Việt Nam tham gia Dự án biểu diễn nghệ thuật ASEAN (BoAPA) 2023, Dự án thành lập Hội đồng chuyên gia di sản ASEAN và nhóm công tác đặc biệt nghiên cứu các Danh sách các di sản văn hóa ASEAN, Hội nghị hợp tác di sản văn hóa ASEAN-Hàn Quốc; Dự án biểu diễn nghệ thuật các nhạc cụ đồng…

Phát huy hiệu quả vai trò điều phối hợp tác văn hóa ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Việt Nam tiếp tục chủ động trong vai trò quốc gia điều phối quan hệ văn hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa ngành điện ảnh và âm nhạc của ASEAN với Hàn Quốc, hợp tác di sản văn hoá ASEAN-Hàn Quốc; cùng các nước ASEAN tổ chức nhiều chương trình giới thiệu văn hóa, nghệ thuật ASEAN trong khuôn khổ Tuần lễ Kịch Trung Quốc-ASEAN lần thứ 10.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, sáng tạo kết hợp, lồng ghép các kế hoạch, chương trình, hoạt động của ASEAN với các kế hoạch hoạt động của Việt Nam, tranh thủ tận dụng tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của các nước đối thoại (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và đã tiết kiệm được kinh phí thực hiện, đạt được nhiều mục tiêu trong triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong hợp tác ASEAN.

Hợp tác văn hóa trong ASEAN đã gắn kết chặt chẽ hơn người dân ở các nước thành viên. (Nguồn: TTXVN)

Các nước ASEAN có những định hướng gì trong hợp tác văn hóa để vượt qua những thách thức trong việc duy trì hiệu quả, sức hấp dẫn và gắn kết người dân trong khu vực hơn nữa?

Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, các hoạt động trong ASCC cần không ngừng hướng đến triển khai nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về bản sắc ASEAN hướng đến thúc đẩy nền văn hóa khoan dung, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Các nước ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi với các nước đối thoại nhằm tận dụng sự hỗ trợ, tài trợ về kinh phí cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao của ASEAN.

Về phía Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025; Kế hoạch hành động triền khai Đề án Tuyên truyền, Quảng bá ASEAN.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia các hội nghị trong cơ chế hợp tác văn hóa ASEAN như: Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (AMCA) năm 2024 tại Malaysia, Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (SOMCA) năm 2024 và 2025 tại Malaysia, Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (COCI) năm 2024 tại Campuchia, năm 2025 tại Indonesia; Hội nghị Tiểu ban Văn hóa ASEAN (SCC) năm 2024 tại Philippines, năm 2025 tại Singapore.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tích cực tham gia các dự án, chương trình trong hợp tác văn hóa, nghệ thuật ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại; tiếp tục thực hiện vai trò điều phối hợp tác văn hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024; triển khai vai trò điều phối hợp tác ASEAN-Anh, ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)