Chủ quán Năm Ngời và nhân viên trong quán Sushi ở Olso. |
Chủ quán là chị Nguyễn Thị Ngời (Năm Ngời). Tôi quen chị rất tình cờ từ trước đó, tại buổi họp mặt của Việt kiều chia tay Đại sứ nước ta tại Na Uy Tạ Văn Thông kết thúc nhiệm kỳ.
Bước vào quán, chị đón tôi với nụ cười đon đả, thân tình của người Nam Bộ. Chị nói cháu Lan, người phụ bếp pha cho tôi một ấm chè Nhật rồi mời tôi vừa nhâm nhi cốc trà vừa chuyện trò.
Quán của chị bày biện theo phong cách Nhật rất gọn gàng, đồ đạc tối giản, vật dụng be bé, xinh xinh; cả cái khay đựng đồ ăn cũng nhỏ…Đó là hướng theo triết lý “Nhỏ trong to, to trong nhỏ” của văn hóa Nhật.
Thực đơn dòng Sushi chính gồm các món ghi bằng tiếng Na Uy: súp Nhật Misosuppe (có rong biển biển, đậu hũ…); Món Varruller (đọc âm Na Uy là vồ-rul) chấm nước sốt, món này tương tự món chả giò ở miền Nam nước ta. Sashimi (gỏi cá) thì dùng nguyên liệu cá hồi, cá ngừ chia làm loại nhỏ (4 cái sushi liten); loại trung (10 cái sushi medium) và loại lớn (15 cái sushi stor), có dạng sashimi chỉ là gỏi cá thái lát xếp với rau rất đẹp mắt. Còn Maki là tên chung món ăn được quấn bởi cơm, maki có nhiều dạng: Maki có cơm quấn tôm hay quấn cá hoặc quấn các thực phẩm khác và Maki đặc biệt (Spesial Maki) là cơm quấn gỏi cá trên phủ trứng cá hồi. Quyện hòa với những món ăn Nhật Bản này, chị Năm nói có 3 thứ nhập từ Nhật Bản, đặc trưng của xứ sở Phù Tang là nước tương, gừng và mù tạt.
Ngồi chơi khoảng một giờ đồng hồ buổi chiều muộn, tôi gặp chừng gần chục thực khách người Na Uy, họ đều đến đặt rồi dạo đâu đó khoảng gần 10 phút, khi quay trở lại, hộp đựng sushi được chị Năm chuẩn bị sẵn sàng. Khách trả tiền qua Thẻ ngân hàng, chị Năm vui vẻ chúc họ những điều tốt lành rồi lại lướt vào bếp. Mùa hè dân Na Uy đi du lịch nhiều nên khách ít đi - chị Năm cho biết. Sau đó đi thăm vài quán nữa, tôi thấy bà con mình mở hàng Sushi trung bình hàng tháng cũng thu được lợi nhuận mấy chục nghìn USD sau khi trừ thuế, tiền công nhân viên. Quán chị Năm được mở từ 2005, lúc đó số lượng quán sushi ở Oslo chưa nhiều nhưng đến 2013 đã có gần 300 quán. Quán chị nhỏ, theo kiểu “Take away” (đặt hàng rồi mang về ăn nơi khác) để đỡ tiền thuế. Quán chị không đăng ký bán rượu bia, chỉ có nước ngọt, đồ giải khát, chỉ được phép có 4 chỗ cho khách ăn trong quán, nếu tự ý cho nhiều hơn sẽ bị phạt. Những quán rộng hơn, bề thế hơn hiện bán sushi không được nhiều do cạnh tranh của nhiều quán thì họ có kiểu kinh doanh khác. Họ giữ giá sushi hoặc giảm nhưng lại tăng giá bán rượu nên chỉ cần khách ăn mua chai rượu là lãi lớn rồi.
Sushi là món ăn nổi tiếng thông dụng của Nhật Bản, sự tiện dụng phổ thông của nó cũng tương tự như món Phở ở Việt Nam. Tại Nhật hay những nước đông kiều dân Nhật, món này được các đầu bếp Nhật trứ danh thi triển rất chuyên nghiệp, nghệ thuật. Các đầu bếp Nhật đội mũ trắng, mặc áo trắng, đặt hết tâm trí vào sản phẩm của mình. Nhiều nơi, đầu bếp Nhật bậc thầy mở lớp để truyền nghề, cấp chứng chỉ của Hiệp hội đầu bếp Nhật hẳn hoi và chỉ riêng công đoạn vo gạo, những môn sinh đi học phải học tập mất 3 năm. Văn hóa Nhật là vậy, các sinh hoạt đều dần lên thành “Đạo” nên phải cẩn trọng, kiên trì, luyện lâu ngày. Tất nhiên các vua đầu bếp người Mỹ hay tổ chức thi nấu ăn quốc tế tại New York chẳng hạn, khi biểu diễn tất cả quy trình vo gạo thổi cơm, thái cá, quấn maki, phủ thêm sốt, ớt, rau…chỉ mất chừng 30-45 phút. Họ thi để đoạt giải nên khác với chuẩn bị Sushi truyền thống kiểu Nhật.
Chị Năm cho tôi biết, chính chị rất cầu thị, trọng nghề nên đã làm cho Quán Nhật 3 năm (do người Na Uy mở) và được những sư phụ là đầu bếp người Việt từ Nhật sang truyền dạy. Mấy năm vừa rôi, chị Năm hay về quê hương thăm nhà, chị đã tổ chức nhiều bữa tiệc Sushi cho người thân, bạn bè ở quê nhà Bến Tre và TP.Hồ Chí Minh và ai cũng tấm tắc khen ngon. Chị tâm sự giản dị, thẳng thắn: Quán chị luôn giữ giá và rất đông khách quen, đảm bảo các tiêu chuẩn: Món ăn ngon, chất lượng tốt; phục vụ chuyên nghiệp.
Trước khi rời quán, tôi nêu ý kiến nhỏ là chị Năm nên có thêm tranh vẽ núi Phú Sĩ, sinh hoạt của người Nhật. Chị cười và hơi cúi đầu chào theo kiểu Nhật: Tui nhờ anh luôn đó, người Việt vẽ cảnh Nhật, truyền văn hóa mình, phong cách Việt vào cảnh, người Nhật, treo ở Quán món ăn Nhật do người Việt chủ trì- có nhiều ý nghĩa lắm anh à!.
Lê Thanh Bình Đại sứ quán VN tại Oslo, Na Uy