TIN LIÊN QUAN | |
Nga không cắt giảm sản lượng dầu mỏ như OPEC | |
OPEC và thỏa thuận "lịch sử" |
OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ. (Nguồn: Reuters) |
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù Saudi Arabia đã chấp nhận quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhưng vương quốc vốn đang chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề từ sự sụt giảm giá dầu này vẫn đang nung nấu quyết tâm duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Quyết định bất ngờ
Trong hai năm qua, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của OPEC đã nhiều lần phản đối những lời kêu gọi cắt giảm sản lượng trong một thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh. Saudi Arabia từng từ chối cắt giảm sản lượng trong bối cảnh đối thủ khu vực của họ là Iran tăng cường sản xuất sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của Saudi Arabia bị sụt giảm vốn đã gây ra mức thâm hụt ngân sách kỷ lục hồi năm ngoái, dẫn đến sự cắt giảm trợ cấp chưa từng có trong chi tiêu của chính phủ.
Theo thỏa thuận vừa được nhất trí tại Algiers, sản lượng của OPEC sẽ giảm từ 33,47 triệu thùng/ngày từ tháng 8 vừa qua xuống còn từ 32,5 triệu đến 33 triệu thùng/ngày và đối thủ của Riyadh là Iran sẽ được miễn không phải áp dụng việc cắt giảm này. Về phần mình, quốc gia Hồi giáo dòng Shiite Iran hy vọng khôi phục sản lượng khoảng 4 triệu thùng/ngày như giai đoạn trước khi chịu các lệnh trừng phạt.
Saudi Arabia và Iran hiện không duy trì các mối quan hệ ngoại giao và có nhiều bất đồng trong hàng loạt vấn đề khu vực bao gồm các cuộc chiến tranh ở Yemen và Syria.
Nhà phân tích dầu mỏ người Kuwait Kamel al-Harami nói với AFP: “Chắc chắn là nền kinh tế Saudi Arabia đang chịu tác động lớn từ sự sụt giảm nguồn thu nhập dầu mỏ. Cuộc chiến tại Yemen và các căng thẳng trong khu vực càng làm điều này tồi tệ hơn. Tuy nhiên, với việc ủng hộ thỏa thuận này, Saudi Arabia đã đạt được một bước tiến chính trị quan trọng. Nó thể hiện rằng họ vẫn là đầu tàu của OPEC và làm như vậy cho thấy họ đang có chút nhượng bộ với Iran và các nước thành viên OPEC khác”.
Lợi nhiều hơn hại
Saudi Arabia lâu nay vẫn là nhà sản xuất dầu mỏ duy nhất có công suất dư thừa, có thể giúp đất nước tăng hoặc giảm sản lượng để tác động lên thị trường theo chính sách truyền thống của họ. Tuy nhiên kể từ năm 2014, nước này đã từ bỏ cách tiếp cận chỉ tập trung vào việc đảm bảo thị phần và "hất cẳng" các nhân tố ít cạnh tranh hơn, bao gồm các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ.
Chính sách này cùng những tranh cãi trong nội bộ OPEC đã làm dấy lên những nghi vấn về tính xác đáng của tổ chức chiếm tới 40% sản lượng dầu mỏ toàn cầu này. Greg McKenna, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới thị trường Axi Trader nhận định: “Nhiều nước thành viên OPEC đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá dầu giảm. Nền kinh tế của các nước này đang trì trệ hoặc suy thoái và họ phải đối mặt với các vấn đề về ngân sách”.
Hãng nghiên cứu Capital Econimics tại London cho biết có thể lý giải cho thỏa thuận này là vì “Saudi Arabia cảm thấy bất cứ một hình thức thỏa thuận nào, dù là mong manh, cũng đều là cần thiết để vực dậy sự tín nhiệm của OPEC. Các nhà hoạch định chính sách Saudi Arabia cũng có thể “ngày càng lo lắng về tác động của chính sách tài chính khắc khổ đối với nền kinh tế”.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường kỳ cựu tại tập đoàn thương mại Oanda nhận xét: “Saudi Arabia có thể đã xem xét lại chiến lược bán phá giá dầu để hất cẳng các công ty sản xuất đá phiến của Mỹ khi mà các áp lực đè nặng lên ngân sách của họ dường như đã chạm tới đỉnh điểm”. Chuyên gia này ghi nhận một “sự thay đổi lớn” khi Saudi Arabia đồng ý để Iran tăng cường sản lượng.
Tuy nhiên, theo Capital Economics, một số nhà phân tích khác thì thận trọng hơn khi cho rằng “thỏa thuận này không đồng nghĩa với sự thay đổi lớn”, mà dường như qua đó “Riyadh tin tưởng có thể củng cố tài chính của mình hơn là thay đổi hoàn toàn chính sách dầu mỏ”.
Theo AFP, một nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ thì nhận xét rằng còn quá sớm để nói đã có sự thay đổi trong chính sách của Saudi Arabia, song các tác nhân kinh tế trong nước cũng có thể sẽ là “lực đẩy lớn” cho một sự thay đổi tiềm tàng.
Trong khi đó, Spencer Welch, chuyên gia tư vấn cấp cao tại công ty Năng lượng ISH, đánh giá: “Không có sự thay đổi nào lớn trong chiến lược dầu mỏ của Saudi Arabia cả. Họ chỉ mới nói rằng họ sẵn sàng thỏa thuận nếu các nước khác cũng tham gia ký kết”.
Đồng quan điểm này, một cựu quan chức dầu mỏ Saudi Arabia cho biết thỏa thuận mới này không tạo nên một sự thay đổi lớn nào trong sản lượng dầu của Saudi Arabia ngay cả khi vương quốc này giảm bớt 500.000 thùng/ngày. Mohammad al-Sabban, từng là cố vấn kỳ cựu cho Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia, phát biểu trên BBC ngày 28/9: “Thỏa thuận đó chỉ có thể khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia trở về mức hồi tháng Một vừa qua”.
Giá dầu thế giới đã giảm từ hơn 100 USD/thùng hồi tháng 6/2014 xuống mức hơn 30 USD/thùng vào đầu năm 2016. Những căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran đã cản trở những nỗ lực nhằm đạt được một sự "đóng băng" sản lượng trong cuộc họp vừa qua giữa OPEC và Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC. |
OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ Ngày 28/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ nhằm giúp nâng giá dầu, vốn ... |
OPEC hướng tới thông điệp tích cực và thuyết phục Đó là phát biểu của Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada trong cuộc họp không chính thức của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu ... |
Những nhận định về triển vọng đạt thỏa thuận trong cuộc họp OPEC Các thành viên OPEC và Nga có lẽ sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề then chốt trước khi tiến tới một thỏa thuận "đóng băng" ... |