📞

Tờ báo của trẻ em khu ổ chuột

17:54 | 23/11/2014
“Balaknama” tức “Tiếng nói của trẻ em” đang được ca ngợi là một trong những tờ báo ấn tượng nhất trên thế giới.
Shanno (trái) - biên tập viên của Balaknama cùng đồng nghiệp trên đường phố. (Ảnh: Independent)

Được hỗ trợ xuất bản bởi các tổ chức phi lợi nhuận Chetna tại New Delhi, Balaknama xuất bản bỏi sự đóng góp của một “liên đoàn” các trẻ em tại khu ổ chuột Ấn Độ. Từ con số ban đầu là 35 trẻ em, đến nay đã có hơn 10.000 trẻ em đóng góp đến từ khắp các tiểu bang như Uttar Pradesh, Bihar, Andhra Pradesh….

Tiếng nói chân thực

Dân cư khu ổ chuột đang là một trong những thành phần dễ bị bỏ quên nhất ở Ấn Độ. Tảo hôn, ma túy, lạm dụng tình dục… là những vấn nạn mà trẻ em tại đây phải chiến đấu hàng ngày. Theo báo cáo mới đây của New Delhi có hơn 500.000 lao động trẻ em, nhiều người sống trong điều kiện tồi tệ, lạm dụng ma túy và rượu. Có ít nhất 11 triệu trẻ em sống trong các khu ổ chuột và làm việc trên đường phố trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của Chetna, những trẻ em này đã có thể chia sẻ những câu chuyện và viết lên cuộc đấu tranh thầm lặng của chính mình.

Được viết bằng tiếng Hindi, tờ báo là một chuỗi các câu chuyện sinh động, những vấn đề trẻ em đường phố phải đối mặt được truyền tải dưới hình thức phản ánh, miêu tả hoặc thơ. Trước khi phát hành mỗi số báo, một cuộc họp sẽ được tổ chức nhằm thảo luận và quyết định câu chuyện nào cần phải được công bố. Điểm nổi bật của tờ báo này là những bài báo thường liên quan đến các chủ đề như sự tàn bạo của cảnh sát, hôn nhân trẻ em và lao động trẻ em bất hợp pháp.

Có thể, đây không phải là thế giới mà người đọc mong đợi từ một tờ báo của trẻ em, nhưng Balaknama giống như một diễn đàn chân thực, dù những vấn đề được đưa ra khá khắc nghiệt. Ở đây, hoàn cảnh của trẻ em được kể bởi chính bản thân các em nhỏ đang làm việc trong các nhà máy, bán rau, nhặt rác trên đường phố. Nhiều trẻ em đã chung tay vạch trần những quan niệm hà khắc của xã hội và nỗ lực thể hiện tiếng nói vốn đã im lặng trong nhiều năm.

Những phóng viên không lương

Tờ báo Balaknama hiện chỉ được bán với giá 1 rupee/tờ (khoảng 350 đồng). Toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ góp phần cải thiện đời sống cho trẻ em đường phố. Với giá thấp như vậy, những đứa trẻ cộng tác với báo dĩ nhiên không nhận được lương. Thế nhưng, các em được cống hiến cho đứa con tinh thần của mình, được nói lên tiếng lòng của những thân phận nghèo.

Điều bất ngờ là những đứa trẻ làm việc cho tờ báo này tuy không hề được đào tạo trước, nhưng các em nhanh chóng học được cách viết bài và sắp xếp các công việc phù hợp. Chẳng hạn, Chandni, 16 tuổi chịu trách nhiệm soạn thảo các báo cáo và quyết định câu chuyện sẽ được in. Jyothi, 14 tuổi thì phân loại các bài viết và dọn dẹp bản thảo…

Shanno, biên tập viên 19 tuổi của tờ báo có nhiệm vụ viết lại những câu chuyện của những người bạn không biết đọc hay viết. Cô cho rằng, nhưng câu chuyện được đăng tải trên báo Balaknama đem tới hình ảnh thế giới khá tối tăm. Nhưng đó là cách họ muốn chúng tôi mô tả thực cuộc sống của mình. Rằng họ đang làm việc vất vả như vậy hết ngày này qua ngày khác.

Shambhu, 16 tuổi là thợ rửa xe và làm việc buổi đêm tại một khách sạn đã chia sẻ rằng: “Được làm việc cho một tờ báo là giấc mơ có thật. Rất nhiều trẻ em đường phố như tôi vui mừng khi nhìn thấy tên của mình được công bố trên báo”.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)