📞

Tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M1 của Nga sẵn sàng 'tiếp chiêu' xe tăng phương Tây

Văn Đỉnh 14:31 | 18/02/2023
Trên các thao trường Nga, các kíp chiến đấu đang ngày đêm luyện tập cùng tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M1 nhằm chuẩn bị đối phó với xe tăng hạng nặng của phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Tổ hợp chống tăng Metis-M1 của Nga. (Nguồn AiF.ru)

Tổ hợp Metis được Nga đưa vào sử dụng tại Ukraine ngay từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, Nga sử dụng phiên bản nào tại chiến dịch này thì không được công bố, bởi kể từ ngày ra đời, tổ hợp Metis đã nhiều lần được cải tiến, nâng cấp.

Theo một số nguồn tin, phiên bản thường thấy hơn cả là tổ hợp Metis-M1. So với các mẫu trước, phiên bản Metis-M1 nhẹ hơn về khối lượng và sử dụng đơn giản hơn.

Tầm bắn của Metis-M1 là 2 km, có thể xuyên thủng vỏ thép dày lên tới 1m, được bảo vệ bằng tấm giáp phản ứng nổ.

Với tốc độ đường đạn 223m/s, tổ hợp Matis-M1 sử dụng đầu đạn xuyên lõm, đầu đạn nhiệt áp với khối lượng khoảng 5 kg.

Tổ hợp Matis-M1 được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến hoặc dây dẫn.

Phiên bản Metis đầu tiên được sản xuất vào giữa những năm 1970. Lô hàng đầu tiên của loại vũ khí này được trang bị cho lục quân Nga, các đơn vị lính dù và phục vụ xuất khẩu. Tầm bắn của phiên bản Metis đầu tiên chỉ đạt 1km, có thể xuyên qua vỏ thép dày khoảng 0,5 m.

Phiên bản nâng cấp tổ hợp Metis-M được đưa vào biên chế cho quân đội từ năm 1992. Tầm bắn của phiên bản mới này được nâng lên 1,5 km, đồng thời hệ thống điều khiển được hoàn thiện hơn, sức công phá của tên lửa cũng được tăng lên.

Đến phiên bản Metis-M1 thì sử dụng 2 tên lửa, mỗi tên lửa mang một đầu đạn, đầu đạn xuyên lõm và đầu đạn nhiệt áp.

Hiện nay Nga đang tiếp tục phát triển tổ hợp Metis-M2 với tầm bắn khoảng 3km.

Tất cả các phiên bản của tổ hợp chống tăng Metis đều có sơ đồ hoạt động giống nhau, trang thiết bị giống nhau.

Thiết bị phóng của Metis có gắn hệ thống dẫn đường và hệ thống điều khiển. Tổng trọng lượng không quá 20kg. Khối lượng nhỏ là một thế mạnh của Metis trong quá trình vận chuyển, một kíp vận hành chỉ cần 2 xạ thủ.

Tổ hợp Matis với đầu đạn có sức công phá lớn rất hiệu quả khi tấn công các mục tiêu ở cự ly gần. Bên cạnh đó, tổ hợp này còn được trang bị kính ngắm quang học và kính ngắm nhiệt. Sau khi phóng tên lửa, xạ thủ vẫn giữ hướng mục tiêu, đường đạn sẽ được tự động điều chỉnh.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu phối hợp sử dụng tổ hợp Metis với tổ hợp Cornet, thì tác chiến chống hệ thống công sự và vũ khí mới của đối phương sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Tổ hợp tên lửa chống tăng của Nga đã được sử dụng nhiều tại các điểm nóng trên thế giới như ở Syria. Có nhiều hình ảnh cho thấy xe tăng Ambrams M1 của Mỹ đã bốc cháy ngùn ngụt bởi tên lửa của Metis. Tên lửa phóng đi từ Metis có thể xuyên qua vỏ thép của xe tăng Ambrams M1 tạo thành đám cháy bên trong.

(theo AiF.ru)