Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu cắt băng khai trương Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đây là lần đầu tiên sự kiện được phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối với đối tác nước ngoài.
Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có: các Thứ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; 80 Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài; Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, Hiệp hội doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế hàng đầu của của Việt Nam; Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.
Về phía đại biểu quốc tế, dự Tọa đàm có các Đại sứ, Đại biện, Trưởng Cơ quan đại diện trong Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội; Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chương trình Tọa đàm gồm 2 phiên, Phiên 1 với chủ đề “Kết nối vì phát triển” và Phiên 2 về “Hợp tác Đầu tư và Thương mại”. Sau đó là chương trình gặp gỡ, kết nối và tham quan Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam.
Vun đắp mối quan hệ tam giác chiến lược giữa các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp và địa phương Việt Nam
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định: “Đây là sáng kiến mới, lần đầu tiên được tổ chức, mang tính chất kết nối tay ba giữa Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa) |
Cùng với các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội, Tọa đàm còn được kết nối trực tuyến tới gần 300 điểm cầu ở Việt Nam và quốc tế, là bước quan trọng, khởi đầu và tạo đà nhân rộng và lan tỏa mô hình này ngay trong năm sau và cả trong tương lai.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, thế giới đang chuẩn bị bước vào năm thứ 3 của đại dịch Covid-19. Tác động sâu sắc của dịch bệnh vẫn hiện hữu trên mọi mặt đời sống của tất cả các quốc gia.
Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, sự gián đoạn của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư… đã phủ những gam màu ảm đạm lên bức tranh kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục chứng kiến các chuyển biến nhanh chóng và khó lường. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và toàn diện giữa các nước lớn, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, sự nổi lên của các thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, dịch bệnh... Thách thức đan xen cơ hội, thuận lợi đi cùng với khó khăn.
“Trong bối cảnh đó, hợp tác, gắn kết, tin cậy, đổi mới, sáng tạo là nhu cầu và lựa chọn tất yếu, là cơ sở để chúng ta chung tay vượt qua thách thức, cùng nhau nắm bắt cơ hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau dịch bệnh. Tất cả các nỗ lực này chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự tham gia của tất cả các nhóm, các ngành, các giới, trong đó không thể thiếu sự góp sức và đồng hành của tất cả các quý vị đại biểu, các doanh nghiệp và địa phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam đã thúc đẩy đồng bộ các nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do kết nối hơn 60 quốc gia, thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những tâm điểm của mạng lưới các liên kết kinh tế, khẳng định sức hút của một nền kinh tế với độ mở cao và một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Uy tín, vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế cũng là một điểm cộng cho môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Với việc đảm nhiệm nhiều trọng trách như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và nhất quán đối với mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Với tổng số vốn 16 tỷ USD, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, trách nhiệm và uy tín đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng chia sẻ: "Sự đồng hành của các doanh nghiệp và địa phương đóng vai trò thiết yếu trên hành trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đã xác định phương châm “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Trong những năm qua, hoạt động kết nối hai chiều giữa các địa phương của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc của công tác ngoại giao kinh tế và đang ngày càng được đẩy mạnh, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác mới trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực từ đầu tư, thương mại, du lịch tới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.
“Tọa đàm hôm nay là một minh chứng sống động cho nỗ lực kết nối này, mà qua đó, chúng tôi mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, trao đổi cởi mở, thực chất của quý vị về nhu cầu, lợi thế, tiềm năng và cơ hội hợp tác cũng như các bài học kinh nghiệm trong thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại.
Sự tin cậy, hiểu biết, chân thành sẽ là nền tảng để vun đắp mối quan hệ tam giác chiến lược giữa các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp và địa phương Việt Nam.
Trong tam giác đó, các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp sẽ chính là các đường gạch nối đưa mối quan hệ này đi dài hơn, xa hơn và bền chắc hơn”, đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thứ trưởng khẳng định: “Bộ Ngoại giao Việt Nam, với mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện tại nước ngoài luôn sẵn sàng làm nhịp cầu đưa các đối tác nước ngoài đến gần hơn với Việt Nam và đưa các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Trên mọi hành trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối với các đối tác tiềm năng, xúc tiến và thu hút đầu tư, ngành Ngoại giao sẽ luôn đồng hành với các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương, cùng đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng”.
Các diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa) |
Kết nối vì phát triển
Tham gia thảo luận tại phiên 1 với chủ đề “Kết nối vì phát triển” có các diễn giả: Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery; Đại sứ Nga tại Việt Nam Bezdetko Gennady; Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam Chanthaphone KhammaniChanh; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang; Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung.
Đại sứ Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao giữ vai trò điều phối phiên thảo luận.
Hợp tác cấp địa phương Lào-Việt Nam luôn được duy trì và nâng cao hiệu quả
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Chanthaphone KhammaniChanh, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam khẳng định, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và liên tục phát triển, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Nhà ngoại giao Lào cho biết, trong thời gian qua, hợp tác cấp địa phương Lào-Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới luôn được duy trì và nâng cao hiệu quả.
Theo ông Chanthaphone KhammaniChanh, công tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các địa phương, thường xuyên được chăm lo giữ gìn, vun đắp tình cảm đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước sinh sống tại vùng biên giới, bằng nhiều hình thức.
Cụ thể: Tăng cường các hình thức giao lưu hữu nghị thiết thực giữa nhân dân tại các địa phương của hai nước; Phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục và tuyên truyền về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam;
Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống về quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam cho nhân dân sinh sống tại vùng biên giới, nhất là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc khánh, Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane....
Ngoài ra, Phó Đại sứ Lào khẳng định, nhân dân hai nước sinh sống tại vùng biên giới còn thường xuyên trao đổi hàng hóa lẫn nhau qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ phù hợp với Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước Việt Nam-Lào.
“Có thể khẳng định rằng hợp tác cấp địa phương Lào-Việt Nam là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững", ông Chanthaphone KhammaniChanh nhấn mạnh.
Duy trì trao đổi thương mại Việt Nam-Trung Quốc
Tham gia thảo luận tại sự kiện, ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc cho rằng, mặc dù dịch Covid-9 diễn biến phức tạp nhưng hợp tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các tỉnh biên giới Trung Quốc vẫn được duy trì thông qua nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, gặp mặt từ xa…
Đến nay, các địa phương biên giới hai nước đã thành lập nhiều cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác quan trọng và được tổ chức định kỳ như: Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam với Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc (6 lần) và Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh này với Quảng Tây (12 lần); Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (7 lần) và gần đây nhất (5/2021), các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên đã phối hợp với tỉnh Vân Nam lần đầu tiên xây dựng và tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến giữa các Bí thư Tỉnh ủy.
Ông Đỗ Nam Trung cũng chia sẻ một số khó khăn, tồn tại trong hợp tác giữa các địa phương biên giới Việt Nam và Trung Quốc như, hạ tầng cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; Hạ tầng kết nối đến các cửa khẩu của các địa phương biên giới chưa có sự phát triển đồng bộ; sự kết nối giữa chính sách phát triển, chiến lược phát triển giữa hai bên còn có độ chênh…
Trên cơ sở đó, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh đã đề xuất một số nhóm giải pháp để tăng cường hợp tác giữa các địa phương biên giới hai bên, bao gồm: nhóm giải pháp chung; nhóm giải pháp về vấn đề cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thông quan; nhóm giải pháp về giao thông vận tải; hàng nông sản…
Lợi ích chung ngày càng tăng ở cấp địa phương Việt Nam-Nhật Bản
Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang ngày một phát triển và được củng cố, đặc biệt càng được làm sâu sắc qua chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản gần đây.
Các trao đổi và hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy và tăng cường ở số lượng lớn, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp địa phương.
Theo đó, các địa phương của Nhật Bản và Việt Nam hiện đã ký kết và đưa vào hoạt động hơn 78 thỏa thuận hợp tác. Khoảng 80% các thỏa thuận đó được ký kết sau lễ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sự gia tăng đáng kể về số lượng các thỏa thuận trong những năm gần đây phản ánh lợi ích chung mạnh mẽ ngày càng tăng ở cấp địa phương. Trong đó, hợp tác giữa chính quyền địa phương hai bên tập trung vào nhiều lĩnh vực, với trọng tâm chính là hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa.
Đại sứ Nhật Bản cho biết, điều đáng tiếc trong thời gian qua là việc đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến giao lưu giữa các địa phương của hai nước, khiến một số chương trình và sự kiện quan trọng bị hoãn và hủy bỏ.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên vẫn được duy trì và phát triển tốt. Điển hình như việc Việt Nam hỗ trợ khẩu trang cho Nhật Bản, tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2020, nổi bật là chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các tỉnh của Nhật Bản như Tochigi và Kanagawa.
Đại sứ Yamada khẳng định, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam vào năm 2023.
Biến tình hữu nghị thành những dự án có lợi
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicholas Warnery cho biết, quan hệ giữa các địa phương Việt Nam-Pháp còn được gọi là hợp tác phi tập trung Việt Nam-Pháp, được khởi nguồn từ năm 1989, từ sau khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới.
Cụ thể, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, vùng Île-de-France và thành phố Hà Nội đã ký kết thoả thuận đầu tiên vào năm 1989, mở đường cho những hợp tác địa phương Việt Nam- Pháp trong tương lai.
Ông Warnery cho biết, tính đến nay, đã có 55 dự án và thoả thuận đang được thực hiện giữa 24 địa phương của Pháp với 33 địa phương của Việt Nam.
Thời gian đầu, hợp tác phi tập trung chủ yếu được dựa trên các sáng kiến đoàn kết quy mô nhỏ, nhưng theo thời gian, các hợp tác này dần phát triển, trở nên sâu và rộng hơn, tập trung vào các vấn đề giáo dục và nghiên cứu, các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống cấp thoát nước và bảo tồn văn hoá, di sản.
Đại sứ Pháp khẳng định, những thành tựu này chỉ có thể đạt được nhờ hai yếu tố quan trọng, cho thấy sức mạnh của các địa phương Pháp và Việt Nam, đó là, "Tình hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc, mang những cam kết mạnh mẽ của cả hai bên để biến tình hữu nghị đó thành những dự án có lợi".
Theo Đại sứ Warnery, đại dịch Covid-19 cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai dân tộc khăng khít ra sao, đặc biệt, trong thời điểm khó khăn. Khi Pháp gặp khó thời điểm đầu đại dịch, Việt Nam đã thể hiện tình đoàn kết bằng các hoạt động trao tặng khẩu trang cho các địa phương của Pháp. Những tháng sau, chính quyền nhiều địa phương của Pháp đã huy động, mua vaccine để hỗ trợ những người bạn Việt Nam.
“Tôi tin rằng, ví dụ này đã cho chúng ta thấy được một cái nhìn tổng quan tuyệt vời về “hợp tác phi tập trung” là gì. Nói một cách dễ hiểu, nó thể hiện một cách hoàn hảo tinh thần quan hệ song phương giữa hai nước, được khẳng định qua các giá trị bền chặt: Hữu nghị, đoàn kết, chia sẻ và hợp tác”, Đại sứ Pháp chia sẻ.
Quan hệ địa phương Nga-Việt Nam ngày càng năng động
Tại Tọa đàm, Đại sứ Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko khẳng định, quan hệ tương tác liên khu vực giữa Nga và Việt Nam mang tính truyền thống và lâu đời, bắt nguồn từ việc thiết lập các mối quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố và các tỉnh của hai nước như Moscow-Hà Nội, St. Petersburg - TP. Hồ Chí Minh, Vladivostok-Hải Phòng, Yaroslavl-Đà Nẵng.
Theo Đại sứ, trong hai thập niên qua, mối quan hệ này phát triển năng động và đến nay trở thành một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.
Đại sứ G.S. Bezdetko khẳng định, các vấn đề mở rộng quan hệ tương tác liên khu vực luôn nằm trong tầm kiểm soát của ban lãnh đạo Nga, các chương trình nghị sự các cuộc đàm phán cấp cao nhất và cấp cao, trong đó có chuyến thăm Nga gần đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, là chủ đề thảo luận không thể thiếu tại các diễn đàn kinh tế đa phương lớn, trong các cuộc tiếp xúc giữa các Bộ và các cơ quan có thẩm quyền của các bên.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Kinh tế là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Ninh và đối tác Singapore
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả hợp tác với Singapore, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác Singapore trên các lĩnh vực và tiềm năng như đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, hợp tác thương mại, đào tạo và đạt được những kết quả quan trọng, trong đó hợp tác kinh tế là điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai bên.
Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại tỉnh Bắc Ninh (chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản) với 50 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,11 tỷ USD (chiếm 5,2% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài là 21,17 tỷ USD), lĩnh vực đầu tư chủ yếu là hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, nhà ở xã hội… Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Bắc Ninh và Singapore đạt 1.005,6 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, để đạt được những kết quả hợp tác trong các lĩnh vực với các đối tác Singapore, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tích cực thúc đẩy các hoạt động đối ngoại giữa hai bên, trên các khía cạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế; khai thác tốt lợi thế so sánh về vị trí địa lý trong thu hút đầu tư; Thực hiện các giải pháp linh hoạt sáng tạo trong xúc tiến đầu tư; chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI nói chung và Singapore nói riêng; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bài học thành công của Hải Phòng trong hợp tác với đối tác Bỉ
Tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng chia sẻ bài học thành công của thành phố trong hợp tác với các đối tác Bỉ.
Theo ông Tuân, đến nay, với 795 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký là 22,55 tỷ USD, Hải Phòng đang đứng vị trí thứ 6 toàn quốc về lũy kế số vốn đầu tư nước ngoài.
Trong số các nhà đầu tư đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Hải Phòng, Bỉ là một trong những nhà đầu tư, đối tác lớn, có uy tín, với vị trí thứ 8 về cả vốn đầu tư và số dự án.
Đến nay, tại thành phố Hải Phòng có 8 dự án có vốn của các nhà đầu tư Vương quốc Bỉ còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 456 triệu USD. Các nhà đầu tư Bỉ thường tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải, kinh doanh khách sạn, sản xuất điện.
Đặt chân đến Hải Phòng ngay từ những năm đầu thập niên 90, các đối tác Bỉ đã thể hiện niềm tin đối với chính quyền thành phố bằng hai dự án có vốn đầu tư lớn, lĩnh vực mới và đến nay vẫn đang rất thành công là Dự án Khách sạn Harbour View và Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Deep C.
Trong lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã triển khai một số dự án hợp tác với Trường Đại học Antwerp, đào tạo ngắn hạn thường niên về “Công nghệ đóng tàu”, liên kết đào tạo Thạc sỹ khoa học chuyên ngành đóng tàu với trường Đại học Liege. Cùng với Đại học Liege, Đại học Y Dược Hải Phòng cũng đã có dự án hợp tác về đào tạo bác sĩ gia đình.
Về hợp tác nghiên cứu khoa học, Viện Tài nguyên môi trường biển đã triển khai một số dự án do Vương quốc Bỉ và Cộng đồng châu Âu tài trợ, lấy Hải Phòng là trọng điểm nghiên cứu góp phần phát triển các công cụ khoa học (hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá rủi ro môi trường…) phục vụ quản lý môi trường cảng biển và các hoạt động khác liên quan đến cảng biển Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Viện Tài nguyên môi trường biển cũng đã tham gia thực hiện dự án nâng cao năng lực quản lý môi trường cảng và đường thủy ở Việt Nam do Bộ Cộng đồng Flanders tài trợ.
Một số tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Bỉ cũng đã đăng ký hoạt động và kết hợp với các đối tác địa phương trong các dự án phi chính phủ nước ngoài. Tiêu biểu trong số này là tổ chức OXFAM (Đoàn kết Bỉ) đã kết hợp với Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng thực hiện dự án về nâng cao năng lực cán bộ công đoàn và công nhân may mặc, giày da, đóng tàu, trong lĩnh vực an toàn lao động trong nhiều năm qua.
Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, ông Tuân khẳng định, trong quá trình tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, Thành phố luôn đánh giá cao các lợi thế của nhà đầu tư Vương quốc Bỉ nói chung và tiềm lực đầu tư của nhà đầu tư IAI - một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đa ngành lớn nhất của Bỉ là Ackermans & Van Haaren.
Quan điểm “Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của thành phố” luôn được đề cao, trở thành kim chỉ nam hành động của chính quyền thành phố trong hơn 30 năm thu hút FDI vừa qua.
Bên cạnh đó, Thành phố luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp, hợp tác của các cơ quan ngoại giao như: Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Cơ quan đại diện của Liên minh châu Âu tại Việt Nam, EuroCham, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Vương quốc Bỉ nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung.
Thành phố Hải Phòng thường được lựa chọn là một điểm đến của các đoàn cấp cao của Bỉ trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam (như các đoàn công tác của Thái tử Vương quốc Bỉ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Di sản vật thể vùng Flanders...).
Ông Tuân khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, thành phố đã phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch đa tầng, đa lớp; luôn chủ động “nâng cao một bước, đi trước một bước”, kịp thời chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, phản ứng nhanh khi có tình huống phức tạp phát sinh, giữ vững an toàn phòng chống dịch tại thành phố và tại các khu công nghiệp.
Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố đã tiến thêm một bước trong việc củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Đức ngày càng tăng
Tham gia phần trao đổi, Đại biện Đức tại Việt Nam Weert Borner cho biết, Đức có truyền thống phát triển phi tập trung, từ hệ thống liên bang, các trung tâm khu vực khác nhau, ngành công nghiệp nổi bật nhờ sự năng động của các công ty vừa và nhỏ (SME), quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong đó, truyền thống này cũng được thể hiện trong quan hệ song phương Việt Nam-Đức, thông qua các cuộc tiếp xúc chính trị, các hoạt động hợp tác kinh doanh và hợp tác phát triển.
Cụ thể, ông Borner đã nêu một số thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Đức thời gian qua.
Về hợp tác địa phương giữa hai nước, hai bang của Đức đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam là bang Rheinland-Pfalz tại TP. Hồ Chí Minh và Mecklenburg-Vorpommern tại Hà Nội.
Ông Borner đánh giá, tiềm năng hợp tác về năng lượng, phát triển giữa các địa phương, hợp tác phi tập trung giữa các cơ sở giáo dục và khoa học của Việt Nam và CHLB Đức ngày càng tăng trong tương lai.
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở trong và ngoài nước. Trong ảnh, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo các địa phương tham quan khu trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hợp tác Đầu tư và Thương mại
Tham gia phiên thảo luận 2 với chủ đề “Hợp tác Đầu tư và Thương mại” có các diễn giả: Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (AmCham) tại Hà Nội; ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam; ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam và bà Lê Hằng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế giữ vai trò điều phối phiên 2."Hãy tự tin với nông sản Việt Nam"
Chia sẻ câu chuyện và cách làm của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong việc hỗ trợ nâng cao thương hiệu nông sản địa phương Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, việc nông sản Việt có xuất khẩu được hay không là do chính doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp kêu rằng khó xuất khẩu vì chất lượng hàng kém, vào các nước lại vướng vào hàng rào bảo hộ nhưng tôi nói ngay là không phải. Đừng tự ti, hàng của chúng ta rất tốt, rất ngon và khi chúng ta tự ti thì chúng ta sẽ không dám bước lên”, Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ Vũ Hồng Nam đề xuất, cần thay đổi cách dùng từ, nên dùng “tiêu chuẩn kỹ thuật” thay vì từ “hàng rào kỹ thuật”. “Tiêu chuẩn kỹ thuật của họ cao thì chúng ta phải theo. Chúng ta phải tự tin để đưa hàng hóa của chúng ta vào các thị trường cao cấp.
Và khi chúng ta vào được rồi thì không được phép tự mãn. Rất nhiều sản phẩm của ta vào được thị trường cao cấp nhưng lại bị phạt vì dư lượng kháng sinh, hóa chất cao, không khác gì việc chúng ta đang tự lấy đá ghè chân mình”, Đại sứ chỉ rõ.
Lấy ví dụ về câu chuyện thành công của quả vải Bắc Giang tại thị trường Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam kể lại, trong bối cảnh quả vải được mùa mất giá, ông từng hứa với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang sẽ đưa quả vải quảng bá thành công tại thị trường Nhật Bản.
“Sau khi vào được thị trường Nhật Bản, đến năm 2021, giá vải Bắc Giang đã tăng vọt. Và cùng với Nhật Bản, rất nhiều quốc gia khác cũng theo trào lưu như Singapore, Australia, Mỹ, châu Âu cũng nhập theo.
Dù vướng dịch bệnh Covid-19 nhưng bà con nông dân Bắc Giang đã có một vụ mùa bội thu. Quả vải của chúng ta đã tuân thủ được các tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác và một khi vào được thị trường là chúng ta thành công”, Đại sứ Vũ Hồng Nam nói.
5 kiến nghị của VASEP đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Tại sự kiện, khẳng định thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lựa của Việt Nam, bà Lê Hằng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu kiến nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Thứ nhất, đẩy mạnh kết nối với các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ từ nước ngoài để kịp thời xây dựng các phương án nhằm hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu đối với VIệt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực chủ lực sản xuất thủy sản của Việt Nam). Theo bà Hằng, đây là một trong những nền tảng cơ bản để thủy sản Việt Nam thích ứng và tiếp tục phát triển xanh, bền vững.
Thứ hai, liên quan mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” mà châu Âu áp với thủy sản Việt Nam, đại diện VASEP đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối với các cơ quan sở tại, thông tin về những nỗ lực và hiệu quả trong công tác khắc phục “thẻ vàng” của thủy sản Việt Nam, để Việt Nam sớm gỡ được thẻ và lấy lại được "thẻ xanh".
Thứ ba, liên quan xúc tiến thương mại thủy sản, VASEP cần các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xúc tiến quảng bá các hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam thông qua các kế hoạch mục tiêu của cơ quan, trong các sự kiện của Đại sứ quán để giới thiệu với đối tác nước ngoài.
Thứ 4, VASEP mong muốn được tiếp cận, chia sẻ thông tin, khai thác các nguồn thông tin chính thống, các thực tế về xuất khẩu, tiêu dùng ở sở tại, qua đó để có thêm tư liệu thông tin để phân tích về thị trường, cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp trong nước.
Cuối cùng, đại diện VASEP nhấn mạnh, đơn vị đánh giá rất cao sự phối hợp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ, chuyên gia của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua đã tổ chức các hội thảo, các diễn đàn kết nối doanh nghiệp với các nước, chia sẻ nhu cầu, cơ hội giao thương với đối tác nước ngoài. Bà Hằng nói, VASEP mong tiếp tục được tham gia các sự kiện thiết thực như thế.
Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU
Nói về Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU, thông qua việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.
EVFTA sẽ loại bỏ gần như 99% dòng thuế, xoá bỏ các rào cản thương mại và hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khung pháp lý, tiêu chuẩn về môi trường và đầu tư. Đây thực sự là một thoả thuận đôi bên cùng có lợi.
Một năm sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 39,75 tỷ USD (tính đến ngày 1/8/2021), tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phía EU, con số này là 16,51 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể tại thị trường EU.
Về đầu tư, với cam kết đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đã từng bước nhận được các nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU, với các dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Sức hấp dẫn đầu tư này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực.
Tất cả những thuận lợi nêu trên do EVFTA mang lại đã khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU, tạo cơ hội mới trong giao thương và đầu tư cho các đối tác EU.
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, ông Minko đề xuất Việt Nam cân nhắc những thách thức như: cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam-EU, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần và cải thiện kết nối vận tải của Việt Nam, và tìm hiểu toàn diện về sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.
Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, với sự đồng hành của hiệp định EVFTA và EVIPA, ông khá lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một địa điểm thịnh vượng, an toàn và cạnh tranh để đầu tư và kinh doanh.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Hàn Quốc và Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Hiện tại, có khoảng 200.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, cũng như có khoảng hơn 500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai nước đi tử vỏn vẹn 500 triệu USD năm 1992 sẽ dự kiến vượt qua 70 tỷ USD trong năm nay. Trong tương lai, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023.
Trong đó, nổi bật là các tập đoàn sản xuất đồ điện tử như Samsung, LG, hay các tập đoàn sản xuất ô tô. Tuy nhiên, tính đa dạng của nguồn đầu tư của Hàn Quốc khá hạn chế và chỉ tập trung vào một số địa điểm nhất định. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Do vâỵ, các công ty Hàn Quốc cũng đang chủ động tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở các địa phương ở Việt Nam.
Ngoài ra, ông Hong Sun cho biết, mỗi một địa phương ở Việt Nam có một ưu điểm riêng. Vì vậy, ông kì vọng chính phủ trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy mạnh phát triển của từng địa phương theo đúng điểm mạnh của mình.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao Cờ Thi đua của Bộ Ngoại giao năm 2020 và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các Sở Ngoại vụ và cá nhân. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tăng cường hơp tác giữa Amcham và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Hà Nội cho biết, AmCham được thành lập vào 28 năm trước và có các thành viên trải dài khắp các miền của Việt Nam, cũng như lập các văn phòng ở Hà Nội, TP. HCM, Huế và Đà Nẵng.
Trong bài tham luận, bà Foote khẳng định, bước đầu tiên, duy nhất và quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là việc tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt. Trường học, sản xuất, du lịch, chuỗi cung ứng, đầu tư, tất cả đều phụ thuộc vào vaccine.
AmCham đã thúc giục chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ vaccine cho Việt Nam, đồng thời Hiệp hội cũng hỗ trợ việc mua và phân phối vaccine cho Việt Nam càng nhanh càng tốt.
Chủ tịch AmCham đã đưa ra một số đề xuất để giúp các địa phương đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư:
Thứ nhất, đảm bảo hệ thống thuế và quy định, cũng như việc triển khai được thực hiện cẩn thận và hiệu quả.
Ngoài ra, về mặt hành chính, các công ty cần chuỗi cung ứng của họ vận hành trơn tru, dễ đoán và nhanh chóng. Hỗ trợ về hải quan và các thủ tục qua biên giới tỉnh là chìa khóa quan trọng.
Thêm vào đó, bà cũng đề xuất Việt Nam đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử và giảm bớt thủ tục giấy tờ.
Thứ hai, các công ty Mỹ có nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề và tài năng. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất mạnh. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế khốc liệt hiện nay, các công ty có thể đến các thị trường khác để tìm kiếm những lao động có kỹ năng cao hơn.
Vì vậy, theo đại diện AmCham, đầu tư vào các chương trình đào tạo là một cách tốt để tăng quy mô, trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam và Mỹ có nhiều công ty sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực đào tạo và giáo dục tại thị trường này.
Thứ ba, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Việt Nam hướng tới sử dụng năng lượng sạch. Các công ty Mỹ cần chứng tỏ rằng họ có khả năng tiếp cận với năng lượng sạch ở những địa bàn họ đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam có thể tiếp tục hoan nghênh các dự án xây dựng hệ thống năng lượng sạch, giúp tăng cường dòng tiền đầu tư cho đất nước.
Thứ tư, AmCham sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam về các vấn đề như tạo thuận lợi thương mại, năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn quốc, cũng như quan sát các xu hướng toàn cầu. Không những vậy, AmCham cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các địa phương ở Việt Nam.
Hiệu quả từ cách làm sáng tạo, đột phá
Tại sự kiện, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, trong 2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Quảng Ninh đã đạt được sự tăng trưởng đáng khích lệ.
Theo đó, năm 2020, đã cấp mới, điều chỉnh giấy đăng ký đầu tư cho 28 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký đạt 526,2 triệu USD, tăng 84,5% so với năm 2019 và trong 11 tháng năm 2021, tỉnh đã thu hút được 10 dự án FDI mới, điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,156 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút FDI cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cả năm 2020.
Theo ông Bùi Văn Khắng, câu chuyện thành công của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài đến từ sự nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo để tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài cụ thể:
Thứ nhất, đề ra mục tiêu, định hướng rõ ràng, cụ thể cùng sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Lãnh đạo tỉnh.
Thứ hai, trong khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành 2 năm qua, tỉnh luôn kêu gọi các sở, ban, ngành phải tăng cường đoàn kết, trên dưới đồng lòng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Thứ ba, tỉnh luôn nhận được sự hỗ trợ, kết nối nhịp nhàng từ các nhà ngoại giao, các cơ quan đối ngoại trong và ngoài nước.
Thứ tư, Quảng Ninh luôn xác định, muốn thu hút được đầu tư cần phải có quy hoạch tốt vì có quy hoạch tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt thì sẽ có tăng trưởng tốt.
Thứ năm, chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Thứ sáu, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, mọi lúc mọi nơi, từ trước đầu tư, trong đầu tư và sau đầu tư.
Cuối cùng, phát triển 3 dự án chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh.
Bắc Giang và nhà đầu tư FDI nỗ lực, phối hợp chặt chẽ
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, vào tháng 5, tháng 6/2021, Bắc Giang là tỉnh chịu thiệt hại nề nhất cả nước do dịch Covid-19 bùng phát làm cho sản xuất công nghiệp bị ngưng trệ, nhiều lĩnh vực xã hội bị ảnh hưởng.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, với phương châm “Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang”, không để dịch lây lan ra cả nước, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, tỉnh Bắc Giang đã ra một quyết định chưa từng có tiền lệ, là tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp với hơn 360 doanh nghiệp và hơn 160 nghìn lao động phải nghỉ việc, giữ trên 60.000 lao động của các tỉnh ở lại Bắc Giang để kiểm soát, không cho dịch bệnh lây lan ra các tỉnh, thành phố khác khác (công nhân của 61/63 tỉnh, thành phố đến làm việc ở tỉnh Bắc Giang).
“Với quyết định này, ban đầu, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, chưa đồng thuận với lãnh đạo tỉnh do nguy cơ bị chậm, phạt và hủy hợp đồng, đứt gẫy chuỗi sản xuất, thiếu lao động khi hoạt động trở lại rất cao,…”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngay khi các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất an toàn.
Với nỗ lực tối đa, chỉ 11 ngày sau khi tạm dừng hoạt động của các KCN, ngày 25/5/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Ngày 28/5/2021, doanh nghiệp đầu tiên trong khu công nghiệp đã quay lại sản xuất và đến tháng 7/2021, tỉnh đã quay lại trạng thái “bình thường mới”.
“Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với mức sử dụng lao động tương đương, thậm chí cao hơn thời điểm trước dịch (6 khu công nghiệp với 385 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 191.972 lao động; tăng 23 doanh nghiệp, 41.000 lao động; 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp với 48.100 lao động)”, lãnh đạo tỉnh thông tin.
Về thu hút đầu tư FDI vào tỉnh năm 2021, ông Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì trong tốp 10 của cả nước, với 20 dự án FDI thu hút mới với vốn đăng ký 637,5 triệu USD; 44 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 376 triệu USD (GRDP quý III tăng đạt 10,43%, quý IV tăng 14,1%) đã góp phần đưa GRDP cả năm tăng 7,82%, nằm trong top đầu của toàn quốc.
“Vượt qua những khó khăn vừa qua có thể thấy, tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã có sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ, tỉnh luôn luôn đồng hành, quan tâm tới lợi ích của doanh nghiệp và doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn với địa phương. Do đó, chúng tôi tin tưởng, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục là điểm đến an toàn và thành công của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, Hội nghị đã nghe phát biểu và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, báo cáo tổng quan về tình hình công tác đối ngoại địa phương và hơn 30 tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Qua đó, các cơ quan liên quan đã đúc rút được bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương trong thời gian tới.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận, nghiên cứu để sớm có phản hồi, giải đáp phù hợp với các kiến nghị của địa phương. Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khác, Bộ Ngoại giao sẽ ghi nhận trong Báo cáo tổng kết Hội nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét giải quyết.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đã tuyên bố thông qua khung định hướng hoạt động công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trong giai đoạn mới, làm căn cứ để các địa phương, cơ quan đại diện cụ thể hoàn thành các chương trình, kế hoạch hành động đối với địa phương, cơ quan mình để triển khai thực hiện.