📞

Tọa đàm giới thiệu về ngành xuất bản Việt Nam tại Venezuela

Chu An 10:21 | 10/11/2021
Theo lời mời của Bộ văn hóa Venezuela, ngày 9/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Khái quát những đặc điểm nổi bật của ngành xuất bản Việt Nam từ thuở sơ khai đến hiện đại” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Sách Quốc tế Venezuela.

Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Venezuela tại Việt Nam Tatiana Moreno Pugh; nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới TS. Trần Đoàn Lâm; Chủ tịch Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam (CAVV) Carolus Wimmer; Chủ tịch Phòng Thương mại Venezuela-Việt Nam (CAVENVIET) Oswaldo Hernandez cùng các khách mời đến từ các bộ, ngành, đại diện chính quyền địa phương và bạn bè sở tại.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Trần Đoàn Lâm gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức Hội chợ Sách Quốc tế Venezuela (FILVEN 2021), khẳng định sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của Venezuela với sự hiện diện của Việt Nam là khách mời danh dự chứng tỏ hai đất nước, tuy cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng rất gần gũi về tình yêu dành cho văn hóa đọc, cùng chia sẻ nhiều trang sử giống nhau với khát vọng tự do, độc lập, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần quả cảm và lòng yêu nước thiết tha.

Ông Đoàn Trần Lâm đã trình bày khái quát các giai đoạn phát triển chính của chữ viết và nền xuất bản Việt Nam, từ phương thức in mộc bản với việc tận dụng cây dó để làm ra loại giấy độc đáo thích hợp cho in ấn, viết lách vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, hay việc sáng tạo ra chữ Nôm dùng cho sáng tác văn học vào thế kỷ X, đến sự ra đời các tác phẩm văn học cổ điển đỉnh cao của Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du trong thế kỷ XVIII.

Diễn giả Việt Nam cho biết, vào thời trung cổ, xuất bản đã được chuyên môn hóa để hình thành làng nghề in sách bằng ván gỗ, chủ yếu tập trung gần kinh thành Thăng Long - Hà Nội.

Trong số đó, chùa Vĩnh Nghiêm với 3.050 mộc bản còn lưu giữ được đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, TS. Trần Đoàn Lâm phát biểu tại tọa đàm

TS. Trần Đoàn Lâm chia sẻ, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Nhà in Quốc gia Việt Nam, khai sinh ra ngành xuất bản cách mạng.

Từ đó đến nay, Việt Nam có trên 60 nhà xuất bản thuộc các đơn vị chủ quản khác nhau. Nền kinh tế thị trường cho phép nhiều công ty sách tham gia vào thị trường xuất bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 1.500 cơ sở in và 13.700 nhà sách trải dài khắp cả nước. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam (20/4), các hội chợ sách lớn được tổ chức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà xuất bản trong và ngoài nước.

Chủ tịch CAVV Carolus Wimmer bày tỏ mong muốn được phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới, chuyển tải thêm nhiều sách Việt Nam đến với độc giả Venezuela nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam của người dân sở tại.

Tọa đàm là một trong những hoạt động chính thức tại FILVEN 2021.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Venezuela)