📞

Tọa đàm kỷ niệm 110 ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám

19:56 | 31/10/2014
Sáng ngày 31/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung Ương và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm nhân kỷ niệm 110 ngày sinh Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám (4/11/1904 – 4/11/2014).
Từ trái qua phải: Ông Hoàng Vĩnh Giang, con trai Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Nhà văn hóa tài năng

Buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham dự đông đảo của đại diện một số ban, Bộ, ngành, cơ quan và địa phương có liên quan, một số đơn vị, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết và gia đình Giáo sư Hoàng Minh Giám. Cùng với một triển lãm ảnh diễn ra tại sảnh Hội trường A1 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các đại biểu được xem lại bộ phim tư liệu với những hình ảnh sống động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp mang tên “Tưởng nhớ Giáo sư Hồng Minh Giám” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tặng hoa cho ông Hoàng Vĩnh Giang, đại điện gia đình Giáo sư Hoàng Minh Giám

Phát biểu khai mạc tại đây, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo sư Hoàng Minh Giám trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển văn hóa - giáo dục của đất nước. Đặc biệt, hơn 20 năm giữ trọng trách đứng đầu Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông là người có công lớn trong việc phục hồi, gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Giáo sư Hoàng Minh Giám cũng là người luôn quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: bảo tàng, thư viện, trường học; xây dựng nếp sống văn hoá mới và đầu tư xây dựng những loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại phát triển như điện ảnh, nhạc giao hưởng, múa ba lê… Để thể hiện lòng biết ơn đối với những cống hiến lớn lao của Giáo sư Hoàng Minh Giám với ngành văn hóa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã gửi tặng bó hoa tươi thắm nhất đến đại diện gia đình ông.

Nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Không chỉ có thời gian dài công tác tại Bộ Văn hóa, Giáo sư Hoàng Minh Giám được biết đến là một tri thức yêu thức, một nhà ngoại giao mẫu mực. Thay mặt Bộ Ngoại giao, ông Ngô Hướng Nam, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng và Truyền thống ngoại giao đã có bài tham luận “Cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám – Vị Bộ trưởng “hòa để tiến” và “phá vòng vây”.

Nhà báo Hàm Châu tham gia thảo luận.

Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, đặc biệt thời kỳ ông được giao trọng trách lãnh đạo Bộ Ngoại giao từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 9/1954, bài thảo luận khẳng định, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là trợ thủ tin cậy và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hầu hết mọi hoạt động ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn “ ngàn cân treo sợi tóc”.

Ông Ngô Hướng Nam, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng và Truyền thống ngoại giao đã có bài tham luận “Cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám – Vị Bộ trưởng “hòa để tiến” và “phá vòng vây”.

Ở ông hội tụ đầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức cần có của một nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, đó là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, nhân dân và với Đảng. Ngoài ra, ông còn là người thấm nhuần sâu sắc các bài học ngoại giao của cha ông, đặc biệt là tư tưởng, nghệ thuật và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là một tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao hôm nay và mai sau noi theo.

Các vị đại biểu tại Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều đại biểu đã có bài viết, tham luận phong phú nói về cuộc đời, sự nghiệp với các vai trò khác nhau của Giáo sư Hoàng Minh Giám. Các đại biểu đều khẳng định ông là một trí thức yêu nước chân chính, có học thức uyên bác, thấm nhuần cả nền văn hóa Đông-Tây, đồng thời sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, một lòng một dạ đi theo kháng chiến, theo Bác Hồ với niềm tin sắt son vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Công chức đầu tiên

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu.

Trong bài phát biểu của mình, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nhắc đến một tình tiết ít ai biết đến, đó là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 cũng là Sắc lệnh bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám là Đổng lý văn phòng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Theo ông, Giáo sư Hoàng Minh Giám là công chức đầu tiên - một mẫu hình công chức tiêu biểu vì việc nước, việc công, luôn đề cao phẩm chất “văn hóa” – nền tảng của người lãnh đạo. Ông cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Minh Giám cần phải tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và phát huy.

Triển lãm ảnh tư liệu về Giáo sư Hoàng Minh Giám tại sảnh Hội trường A1.

Kết thúc buổi tọa đàm này, ông Hoàng Vĩnh Giang đã xúc động thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức và các đại biểu đã tới tham dự buổi Tọa đàm và luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Giáo sư Hoàng Minh Giám.

P.TẢnh: Minh Châu