Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp nhận định quan hệ đối tác hai nước đang đứng trước triển vọng phát triển tốt đẹp. |
Tham dự buổi tọa đàm có toàn thể Ban chấp hành Hội hữu nghị Áo - Việt, kể cả 2 vị nguyên Bộ trưởng NG Áo TS. Willibald Pahr và TS. Peter Jankowitsch, Giám đốc Học viện Ngoại giao Áo Đại sứ Hans Winkler, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp và 100 đại biểu gồm các bạn bè lâu năm của Việt Nam, các nhà hoạt động xã hội quan tâm đến VN, một số nhà ngoại giao và đại diện cộng đồng người Việt tại Áo.
Tại buổi gặp mặt, nguyên Bộ trưởng NG Áo TS. Peter Jankowitsch đã đọc thư của của Tổng thống Áo Heinz Fischer gửi Tọa đàm, trong thư ông nhấn mạnh việc Áo công nhận và thiết lập ngoại giao với VN cách đây 40 năm không chỉ là hành động phản đối chiến tranh ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam mà còn chứng tỏ đây là một quyết định đúng đắn, bởi vì chỉ 3 năm sau đó nước Việt Nam đã được thống nhất hoàn toàn. Tổng thống Fischer đánh giá cao những đóng góp của Hội hữu nghị Áo - Việt vào việc tăng cường quan hệ hai nước, mong Hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới. Ông cũng chia sẻ cảm tưởng về chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ấn tượng tốt đẹp về một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hóa rõ nét và đang thay đổi nhanh chóng sau chiến tranh.
Chào mừng buổi tọa đàm, Đại sứ Hans Winkler, Giám đốc Học viện Ngoại giao Viên điểm qua chặng đường phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước 40 năm qua; đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới và mong muốn tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập nghiên cứu tại Học viện. Phát biểu của Đại sứ Nguyễn Thiệp nhấn mạnh ý nghĩa và thời điểm của việc Áo công nhận và thiết lập QH NG khi đó Áo là một trong số ít nước phương Tây công nhận VN từ đầu 12/1972, khi Hà Nội đang đứng trước nguy cơ tàn phá bằng không kích B- 52 của Mỹ, gây sức ép buộc VN chấp nhận điều kiện của Mỹ trong Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh VN. Đại sứ bày tỏ cảm ơn chân thành tới Chính phủ, nhân dân và các bạn bè Áo đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại sứ Nguyễn Thiệp đã nêu đậm thành tựu của mối quan hệ hợp tác hai nước sau 40 năm, đặc biệt trên các lĩnh vực trao đổi chính trị, kinh tế, thương mại, y tế và giáo dục… và cho rằng quan hệ đối tác hai nước đang đứng trước triển vọng phát triển tốt đẹp với tiềm năng lớn về công nghệ và khoa học của Áo và nhu cầu phát triển cao của VN trong những năm tới.
Trong phần tham luận, bà Irmtraut Karlsson, nhà văn, nguyên Nghị sĩ QH Áo đã ôn lại kỷ niệm sâu đậm của bà tham gia phong trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam tại Áo những năm 70. Bà chia sẻ sự nghiệp chính trị của bà, việc bà gia nhập Đảng Dân chủ xã hội Áo (SPÖ hiện nay) một phần xuất phát từ việc tham gia phong trào này. Chiến tranh chấm dứt, Việt Nam thống nhất, nhân dân Việt Nam có hòa bình, tự do đã củng cố cho bà và thế hệ của bà niềm tin vào công lý và lẽ phải. Vui mừng về thành tựu đổi mới ở Việt Nam, bà cũng tỏ rõ lo ngại về các khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải khi chuyển sang kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo lớn, tình trang bạo hành phụ nữ, bình đẳng giới và bảo đảm các quyền của công dân.
Giáo sư kinh tế, TS. Werner Clement, người đã gắn bó với Việt Nam trên dưới 20 năm, từng làm cố vấn chính sách kinh tế cho Bộ trưởng KHĐT Đỗ Quốc Sam và Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW những năm 90, đã nêu đậm thành tựu cải cách kinh tế ở VN, bày tỏ khâm phục thành tích trong 30 năm đổi mới nâng thu nhập đầu người từ 100 USD/năm những năm 90 lên trên 1000 USD/năm hiện nay; ông cũng chia sẻ những khó khăn hiện nay của VN về tái cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc khu vực ngân hàng, nợ công... Ông khẳng định VN sẽ phát triển trở thành một nền kinh tế quan trọng trong khu vực nhờ những nhân tố thuận lợi như dân số trẻ, thị trường phát triển, ý chí vươn lên của người Việt với quyêt tâm “ giành một thắng lợi nữa sau thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 vừa qua” .
TS. Willibald Pahr (nguyên Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Thủ tướng Áo Bruno Kreisky thuộc Đảng Dân chủ Xã hội từ 1976 – 1983), từng là Chủ tịch Hội nghị về Campuchia của LHQ những năm 80, đã chia sẻ một kỷ niệm khó quên về quan hệ thẳng thắn, sâu sắc với Cố Bộ trưởng NG Nguyễn Cơ Thạch mà ông cho là có “duyên phận” với Việt Nam khi cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tìm cách giải quyết vấn đề Campuchia. TS. Willibald Pahr nhớ lại “thời điểm khó khăn” lúc đó khi ông lọt giữa hai “chiến tuyến”, một bên “lên án Việt Nam đưa quân vào Campuchia mà hầu hết các nước phương Tây” và một bên là “những người bạn ủng hộ Việt Nam, đã giúp đỡ người dân Campuchia xóa bỏ họa diệt chủng”. Mặc dù phải giữ thái độ trung lập, nhưng cá nhân ông thuộc về bên những người ủng hộ và rõ ràng sự ủng hộ của ông đến nay đã được chứng minh là đúng đắn. TS. Willibald Pahr nhắc lại chuyến bay tới Bangkok năm 1983 cùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhằm mở đối thoại giữa Việt Nam với các nước ASEAN lúc đó nhưng không thành, máy bay không thể hạ cánh do “ASEAN chưa sẵn sàng” và chuyến đi đã để lại cho ông ấn tượng sâu sắc về Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông cho rằng có lẽ đó là thời kỳ quan hệ “mật thiết nhất” giữa Áo và Việt Nam và điều đó đã làm cơ sở cho hợp tác sâu sắc hơn sau này của hai nước.
Sau tham luận của mình, nguyên Bộ trưởng NG Áo TS. Peter Jankowitsch đã trả lời câu hỏi của những người dự tọa đàm đã nêu câu hỏi phải chăng lúc đó Áo đã lựa chọn khó khăn khi công nhận Việt Nam. Ông cho rằng phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam là nguyện vọng chung của đông đảo nhân dân, là một xu thế, nhất là của các đảng cánh tả lúc đó ở châu Âu, dặc biệt ở Thụy Điển, Thụy Sĩ và Áo, do đó, công nhận Việt Nam là quyết định đối ngoại được sự nhất trí của các đảng phái, của cả Ngoại trưởng và Tổng thống Áo lúc bấy giờ.
Với tư cách Chủ tịch Hội hữu nghị Áo-Việt, Tiến sỹ P.Jankowitsch đã điểm lại những mốc phát triển của Hội hữu nghị Áo – Việt; nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đã và đang thực hiện, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác hai nước và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hội đã triển khai nhiều dự án từ thiện tại Việt Nam, thời gian tới sẽ tập trung kêu gọi ủng hộ để triển khai một số dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Ông khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam đã được thử thách suốt 40 năm qua, sẽ tiếp tục được duy trì. Việc hai nước trở thành đối tác hợp tác của nhau càng củng cố thêm tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Tại buổi tọa đàm đã có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Hội hữu nghị Áo-Việt có các hoạt động mới để tiếp tục truyền thống vốn có, giúp đỡ Việt Nam một cách hiệu quả và trực tiếp, chuyển từ “tình đoàn kết sang quan hệ đối tác”, bà Klingl, người dẫn chương trình buổi tọa đàm đã cho rằng giáo dục đào tạo có thể là một lĩnh vực nhiều tiềm năng nhất, trong đó các trường đại học Áo sẽ là một lựa chọn tốt cho các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Giáo sư Clement gợi ý Hội có thể lập quỹ hoặc quyên góp cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, vì theo ông, “có tận mắt chứng kiến những cố gắng của chính phủ Việt Nam dành cho các nạn nhân diocine Việt Nam mới hiểu nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực này là lớn như thế nào”.
Cuộc tọa đàm thực sự trở thành nơi gặp măt cho một thế hệ những người tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam, ôn lại các kỷ niệm khó quên thời thanh niên và trao đổi về tình hình hiện nay ở Việt Nam, trong đó có cả gia đình những người bạn Áo gắn bó nhiều năm với Việt Nam như ông Milo Rotten, ông Ernst Frey (từng được biết đến dưới tên đại tá Nguyễn Dân trong kháng chiến chống Pháp). PV