TIN LIÊN QUAN | |
Australia cam kết thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới tại Việt Nam | |
Thủ tướng đặt câu hỏi về tầm nhìn ASEAN nếu "phụ nữ bị bỏ lại phía sau" |
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga , Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chụp ảnh lưu niệm cùng cử tọa. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Chủ trì cuộc tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Học viện Ngoại giao, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương. Tham gia tọa đàm là đông đảo cán bộ phụ nữ đại diện các chi hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trình bày Chuyên đề “Cách tiếp cận vấn đề bình đẳng giới trên thế giới hiện nay và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”.
Thứ trưởng mang đến cho cuộc tọa đàm một cái nhìn toàn cảnh về cách tiếp cận vấn đề bình đẳng giới trên thế giới hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh những thành tựu quan trọng về bình đẳng giới (như các quyền được Pháp luật ghi nhận; việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ; phụ nữ được làm việc; trẻ em gái, phụ nữ được đi học; giảm tỉ lệ mẹ tử vong khi sinh; địa vị phụ nữ được nâng cao; nhiều phong trào về bình đẳng giới trên thế giới…)
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga thuyết trình tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thứ trưởng giới thiệu cho cử tọa về cách tiếp cận mới trên thế giới: toàn diện hơn, sâu sắc hơn, đặt trong tổng thể, gắn với nội hàm của hòa bình và phát triển bền vững. Vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh: chăm sóc phụ nữ trong xung đột vũ trang, phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng ngừa, giải quyết xung đột…
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga nêu lên các vấn đề đặt ra với Việt Nam: nhấn mạnh đặc điểm của Việt Nam trong truyền thống và lịch sử, đóng góp quan trọng, vị trí, vai trò được ghi nhận của phụ nữ; Chủ trương, chính sách đúng, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, tích cực hội nhập quốc tế…
Thứ trưởng nêu ra các kiến nghị giải pháp: Thứ nhất, tư duy và cách tiếp cận: Phụ nữ không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà phải tham gia làm và thực hiện chính sách. Các cuộc thảo luận về bình đẳng giới không thể chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các hội thảo cấp Trung ương. Cần coi bình đẳng giới là nhiệm vụ cấp bách, trách nhiệm của toàn xã hội.
Thứ hai, chính sách phải được xây dựng trên nền tảng bình đẳng, phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp đặc điểm từng vùng miền; và chính sách phải gắn liền với biện pháp chế tài.
Thứ ba, các lĩnh vực ưu tiên bao gồm giáo dục chuyển đổi nhận thức, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; chia sẻ trách nhiệm việc nhà; chú trọng giáo dục, dạy nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ.
Thứ tư, phát huy vai trò phụ nữ trong hội nhập quốc tế: thực hiện các cam kết quốc tế, tăng cường sự tham gia sâu rộng hơn của phụ nữ trong các hoạt động đối ngoại.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trình bày Chuyên đề “Kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng: Những yêu cầu mới về công tác bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam”.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga thuyết trình tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã tập trung vào ba vấn đề chính: Những chuyển biến lớn và xu thế trong thời đại số; Xu thế nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; Yêu cầu mới về công tác bình đẳng giới và nâng tầm vai trò phụ nữ nước ta.
Ở vấn đề thứ nhất, Đại sứ chỉ ra: Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời kỳ toàn cầu hóa sâu rộng cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và châu Á diễn ra đồng thời. Cục diện quốc tế đang bước vào thời kỳ chuyển đổi sâu sắc nhất, mang tính bước ngoặt kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1989, với các chuyển dịch nhanh, sâu rộng, khó lường.
Đại sứ chỉ rõ: Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, khi mà Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động toàn diện, sâu sắc nhất, với những biểu hiện như: nền sản xuất thông minh, thế giới siêu kết nối, xã hội siêu thông minh, nguồn nhân lực chất lượng, và “Kỷ nguyên của phụ nữ” với ngôi nhà thông minh, cân bằng công việc – gia đình 4.0.
Đại sứ cho biết: Tốc độ số hóa trên toàn cầu đang tăng mạnh, cùng với sự chuyển dịch tương quan sức mạnh của các nước lớn gắn với công nghệ số.
Đại sứ nhấn mạnh: Các nước đang điều chỉnh chính sách, tập hợp lực lượng (nước Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Trung Quốc với mục tiêu “Cường quốc hàng đầu thế giới năm 2049”, Trung Quốc, EU, Nhật Bản đi đầu thúc đẩy đa phương, liên kết kinh tế…) và phân tích về xu thế hội nhập, liên kết, đa phương, đa tầng nấc, sâu rộng, gắn với tính toán chiến lược, bao gồm các sáng kiến liên kết tầm chiến lược của các nước lớn như “Vành đai-Con đường” (Trung Quốc), “Sáng kiến Đại Á - Âu” (Nga), “Chiến lược kết nối Á – Âu (EU)…
Toàn cảnh cuộc tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Nói về vấn đề Xu thế và động lực mới về bình đẳng giới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã chỉ ra: Kỷ nguyên số là “Kỷ nguyên của phụ nữ” đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh, bất ổn, bất định gia tăng (bất ổn địa chính trị, các điểm nóng, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn gia tăng…)
Đại sứ phân tích: Xu thế nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng: Đổi mới toàn diện gắn xu thế phát triển bền vững; Tầm vóc, vị thế mới của đất nước: Việt Nam ở tâm điểm mạng lưới liên kết FTA châu Á – Thái Bình Dương, năng lực điều hành, dẫn dắt được khẳng định thông qua các sự kiện lớn như APEC 2017, hình thành CPTPP, xây dựng Cộng đồng ASEAN, đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)… Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu mới về công tác bình đẳng giới và nâng tầm vai trò phụ nữ nước ta, bao gồm: nâng tầm vai trò lãnh đạo nữ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu lãnh đạo nữ cần đẩy mạnh đổi mới tư duy, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và tận dụng xu thế, hợp tác liên kết quốc tế, chủ động đề xuất và triển khai các biện pháp chuẩn bị từ xa nhằm nâng cao năng lực hội nhập… nâng cao vai trò, đóng góp trong triển khai chiến lược, hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương…
Những hoạt động nhằm đổi mới công tác bình đẳng giới được Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chỉ ra, bao gồm: chủ động lồng ghép việc thực hiện bình đẳng giới không chỉ trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong nước, mà trong cả hoạch định và triển khai chính sách phát triển công nghệ số; tích cực nắm bắt, tận dụng xu thế, cơ hội mới của hợp tác; chủ động sớm có lộ trình sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp lý liên quan…; gắn phong trào hoạt động của phụ nữ, hội phụ nữ với công tác hội nhập, phát triển bền vững của đất nước, với trọng tâm hàng đầu là đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và hình thành bản sắc văn hóa ASEAN; phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ để góp phần hình thành văn hóa hội nhập của đất nước.
Cuối buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã cùng nhau giải đáp một số câu hỏi của cử tọa. Buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp, kết thúc trong không khí vui vẻ, mang lại nhiều kiến thức rất bổ ích cho cử tọa.
Cải thiện bình đẳng giới trên môi trường mạng Theo Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg: "Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa ... |
Thanh niên thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực ASEAN Sáng nay (10/10) tại Hà Nội, đại diện thanh niên ASEAN cùng 100 thanh niên Việt Nam tham gia sự kiện “Đối thoại Thanh niên ... |
Bình đẳng giới giúp Việt Nam đến gần hơn với thế giới Vấn đề “bình đẳng giới” dưới góc nhìn của một chuyên gia phụ trách về bình đẳng giới của Liên hợp quốc. |