📞

Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Ngoại giao ASEM lần thứ 14

06:49 | 17/12/2019
TGVN. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), khai mạc sáng 16/12 tại Tây Ban Nha, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề "Á - Âu tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương - thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM về các vấn đề toàn cầu". TG&VN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này. 
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong những Bộ trưởng đầu tiên, đại diện của ASEAN, phát biểu tại Hội nghị.

Thưa Ngài Chủ tọa,

Thưa các đồng nghiệp,

Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ngài Josep Borell, Đại diện cao cấp của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và nước chủ nhà Tây Ban Nha về sự đón tiếp nồng hậu và thu xếp chu đáo cho Hội nghị tại thành phố Madrid tươi đẹp – thủ đô giàu truyền thống lịch sử với sức sống năng động.

Nhân dịp này, tôi cũng hoan nghênh những đóng góp quý báu của Tây Ban Nha với tư cách là chủ nhà của Hội nghị COP 25 vừa qua.

Thưa các đồng nghiệp,

Trong suốt 75 năm qua, các cơ chế hợp tác đa phương với trung tâm là Liên hợp quốc đã thực sự khẳng định vai trò tất yếu và không thể thiếu của mình. Trước thềm thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt với những chuyển đổi sâu sắc và không thể đảo ngược của thời đại số.

Tiến bộ vượt bậc của công nghệ số mở ra những tiềm năng rộng lớn cho hòa bình lâu dài và phát triển bền vững, đặc biệt là nâng cao quyền năng kinh tế và phát triển bao trùm, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và kết nối ngày càng chặt chẽ, tìm ra những giải pháp cho phát triển bền vững và nhiều vấn đề khác nữa. Rõ ràng là thế giới đã bước vào một thời đại phát triển hoàn toàn mới.

Mặt khác, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có, nhất là cạnh tranh và đối đầu gay gắt, tranh chấp thương mại gia tăng, tâm lý chống toàn cầu hóa và quan điểm khác biệt đối với hệ thống thương mại đa phương. Các thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động sâu rộng của những nguy cơ đảo lộn do công nghệ số có thể tạo ra, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tăng trưởng kinh tế và thương mại đang bị chậm lại, những thói quen sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường bền vững…

Trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng, một câu hỏi quan trọng đặt ra là làm thế nào để ASEM tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và định vị ASEM trong bàn cờ chiến lược quốc tế trong các thập kỷ tới.

Theo đó, tôi muốn chia sẻ với Quý vị một số suy nghĩ để chúng ta cùng thúc đẩy hợp tác.

Thứ nhất, tất cả chúng ta cần khẳng định vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đối với quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương.Luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia. Các hành động của chúng ta cần tuân thủ và được dẫn dắt bởi sự tôn trọng luật pháp quốc tế vì hoà bình thế giới, phát triển bền vững và thịnh vượng của người dân chúng ta.

Thứ hai, tình hình đã thay đổi, vì vậy chúng ta cần một chương trình nghị sự mạnh mẽ và mang tính thời đại, cũng như cách tiếp cận tổng thể đối với hợp tác đa phương ở mọi tầng nấc, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Cần ưu tiên và đặt người dân vào trung tâm của các nỗ lực hợp tác của chúng ta. Chúng ta cần phải chú trọng cả các vấn đề hòa bình, an ninh truyền thống và cả các vấn đề đang nổi lên của thời đại số; cả các vấn đề kinh tế số, kết nối và phát triển bền vững, bao trùm và bền vững về môi trường; và cả tự do hóa thương mại và đầu tư và các vấn đề thương mại thế hệ mới. Cần thúc đẩy sự tham gia và đóng góp rộng rãi của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, các tổ chức khu vực và các bên liên quan, trong đó có thanh niên. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển, Thoả thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu cần tiếp tục là ưu tiên của chúng ta.

Thứ ba, tiến tới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và 25 năm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta cần có hành động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cải cách các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và WTO, nhằm thích ứng với thay đổi của thời đại và giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách của người dân.Tất cả các thành viên ASEM cần tích cực đóng góp thúc đẩy đối thoại để hình thành các cách tiếp cận, các chuẩn mực và khuôn khổ mới nhằm quản trị hiệu quả các vấn đề quan tâm chung thông qua các tiến trình đa phương và sự tham gia, đóng góp của tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng.

Thưa các đồng nghiệp,

Hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc đạt mục tiêu quốc gia là chấm dứt việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.

Để đóng góp thúc đẩy hợp tác ASEM về bình đẳng giới, Việt Nam đề xuất tổ chức trong năm 2020 “Đối thoại cao cấp ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong kỷ nguyên số”. Việc Australia, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italy, Nhật Bản và Na Uy tham gia đồng bảo trợ sáng kiến nêu trên đã chứng tỏ cam kết của ASEM đối với nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này.

Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEM tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM trong các vấn đề toàn cầu vì hòa bình lâu dài và phát triển bền vững ở hai khu vực và trên thế giới.

Cảm ơn Quý vị.