Trong niên học vừa kết thúc hồi tháng Sáu vừa qua, học phí đại học và sau đại học tăng 1,9% phù hợp với tỷ lệ lạm phát nói chung của nước Mỹ.
Trái lại, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm ngoái, học phí tăng trung bình 6%/năm, cao hơn gấp đôi tỷ lệ lạm phát.
Cũng trong giai đoạn này, chi phí hàng năm của một sinh viên đại học tư hệ 4 năm, trong đó tính cả chi phí sinh hoạt, đã tăng 161% lên tới khoảng 27.500 USD.
Học phí của các trường đại học ở Mỹ đang tăng ở tốc độ chậm nhất trong nhiều thập niên. (Nguồn: Edu) |
Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng tiền học phí tại Mỹ chững lại là do cung vượt quá cầu. Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, trong khoảng từ năm 1990 đến 2012, số trường đại học hệ 2 năm và 4 năm đã tăng 33% lên tới 4.726.
Tuy nhiên, số sinh viên đăng ký theo học đã giảm hơn 4% so với mức cao điểm vào năm 2010, một phần là do thị trường lao động "khỏe" đồng nghĩa việc số người cần phải quay lại trường để học kỹ năng mới ít đi.
Một nguyên nhân khác nữa là những thay đổi về dân số học và kinh tế. Tỷ lệ sinh nở thấp và sự già hóa của những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số cũng làm giảm số người Mỹ đến tuổi học đại học theo truyền thống. Số học sinh tốt nghiệp trung học tăng 18% trong khoảng năm 2000-2010, song chỉ tăng 2% trong 7 năm gần đây.
Ngoài ra, còn một nhân tố nữa là gần 10 năm qua, Quốc hội Mỹ không nâng mức tối đa sinh viên có thể vay nợ chính phủ để theo học đại học. Một số nhà kinh tế lưu ý các trường học tăng học phí song song với những đợt tăng viện trợ tài chính của liên bang. Do đó, khi chính phủ hạn chế việc tài trợ, các trường học khó có thể thu thêm tiền từ sinh viên.
Dự đoán trong thời gian tới, những xu hướng kể trên sẽ kéo dài. Số học sinh tốt nghiệp đại học được dự đoán sẽ không thay đổi cho đến hết năm 2023. Cùng kỳ, số sinh viên tốt nghiệp người da trắng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các sinh viên đại học, ước tính sẽ giảm.
Tuy nhiên, đang nổi lên một số nhân tố có thể khiến áp lực học phí đại học tăng trở lại. Nhiều bang có nguy cơ rơi vào tình trạng khan hiếm ngân sách do dân số già hóa, khiến chi phí lương hưu và y tế gia tăng. Hậu quả là chính quyền bang sẽ phải giảm ngân sách hỗ trợ trường học.
Ngoài ra, số các trường học đang có xu hướng giảm để đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung, đặc biệt là ở nhóm trường phi lợi nhuận. Xu hướng này có thể làm giảm tính cạnh tranh trong khi làm tăng đòn bẩy ấn định học phí cho những trường vẫn hoạt động.
Nhìn chung, đại học vẫn là chi phí quá sức đối với nhiều hộ gia đình ở Mỹ. Học phí vốn đã rất cao, do đó chỉ cần một tỷ lệ phần trăm nhỏ tăng cũng đồng nghĩa với một khoản tiền lớn. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều mắc nợ và số nợ trung bình là 30.000 USD. Học phí và nợ sinh viên tăng mạnh trong nhiều năm đã làm dấy lên quan ngại rằng đại học nằm ngoài tầm với của nhiều gia đình.
Một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố hồi tháng Năm vừa qua cho thấy, 37% số người Mỹ ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn chưa từng học đại học cho biết lý do là vì học phí quá cao. Khoảng 40% số người bỏ học đại học giữa chừng cho biết nguyên nhân là do chi phí.