“Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều có sự thay đổi, chính vì lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Với một vài người bạn của tôi, dẫn lại đoạn văn mở đầu trong tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, thay chữ “đi học” bằng “đi bầu”, kèm bức ảnh chụp thẻ cử tri với cái dấu đỏ choét và gương mặt tràn đầy hạnh phúc là có “tút” ghi điểm trên Facebook hay Instagram rồi. Từ lâu, ảnh đẹp kèm vài trích dẫn dăm câu văn thơ đã trở thành công thức vàng trên mạng xã hội.
Nhưng cái gì ăn mãi cũng chán. Vậy nên tôi, thanh niên ở cái tuổi lỡ cỡ, trẻ chưa qua, già chưa tới xin chọn cách hơi khác đi một chút để chia sẻ đôi dòng cảm xúc về Ngày Bầu cử vừa qua.
Cử tri xem danh sách các ứng cử viên tại Khu vực bỏ phiếu số 2 phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Vui không? Vui chứ! Ngày hội toàn dân cơ mà. Hà Nội rợp sắc đỏ, ánh vàng của lá cờ Tổ quốc. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi sáng/chiều, những chiếc xe bé bé, cắm cái loa to to cùng băng-rôn, áp phích rực màu lại bon bon khắp phố, nhắc nhở tôi về thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Điều làm tôi vui không kém là nhiều bạn trẻ cũng nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng ấy. Câu chuyện về thẻ cử tri của Bác Hồ trong ngày hội toàn dân hơn nửa thế kỷ trước, đã khiến nhiều người, trong đó có tôi, vững bút trước ngày trọng đại. Đất nước gọi, mình trả lời thôi.
Thế là sáng Chủ nhật ấy, tôi khăn gói quả mướp đi bầu. Gọi cho sang miệng chứ địa điểm bầu cử cách nhà tôi chưa đầy 2 phút đi xe, nhón chân ga là đến. Đỗ con Wave S nhuốm màu sương gió, cẩn thận đeo khẩu trang, tôi thò tay vào túi quần kiểm tra lại. À, thẻ cử tri vẫn còn đây. Bút đã lên mực. Tờ khai báo y tế sẵn sàng. Vào thôi. Tôi rảo bước tới tòa nhà vàng rực nắng ở bên.
Đón tôi là hai bạn nữ mặc áo thanh niên tình nguyện. Tấm chắn giọt bắn thường trực trên khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi của cả hai, và có lẽ của hàng chục nghìn các y, bác sỹ vẫn đang ngày đêm chống dịch. Việt Nam vẫn đang đối mặt với nỗi lo thường trực từ đại dịch Covid-19 và chính các y, bác sỹ, sau bộ đồ bảo hộ y tế và tấm chắn ngột ngạt ấy, là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ chúng tôi trong ngày hội toàn dân nhằm lựa chọn những người có tâm, có tầm vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Là một cử tri, tôi nào có thể phụ lòng tin ấy?
Nghĩ là làm, tôi nhanh chóng hoàn tất thủ tục như nộp tờ khai y tế, nhận phiếu cử tri trước khi vào phòng bỏ phiếu. Nhanh đấy, nhưng bốt cử tri đã đầy mất rồi. Tôi chợt nhận ra hầu hết những người xếp hàng trước mình đầu đều có đủ hai thứ tóc. Ông điểm xuyến, bà bạc trắng, có cụ chỉ lơ thơ vài sợi. Bà vàng son áo dài, ông chỉnh chu comple, bác nâu sòng bạc màu. Nhưng khi đất nước gọi, họ đều tụ hội về đây để thực hiện quyền và nghĩa vụ hiến định của công dân – bầu cử.
Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19 và chính những y, bác sỹ, sau bộ đồ bảo hộ y tế và tấm chắn ngột ngạt ấy, là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ chúng tôi trong ngày hội toàn dân. Là cử tri, tôi nào có thể phụ lòng tin ấy? |
Sau một lúc “kính lão đắc thọ”, cuối cùng cũng đến lượt tôi. Nhớ lời dặn, tôi rút ra cây bút đã chuẩn bị từ trước, nhằm tránh lây lan dịch bệnh một khi xảy ra tình huống xấu nhất. Từ trước khi đi ra địa điểm bỏ phiếu, tôi đã ít nhiều đọc qua tiểu sử của các ứng viên và có quyết định của riêng mình. Tuy nhiên, khi thời khắc đến, có lẽ tôi nên cẩn thận thì tốt hơn.
Thế là tôi, một người cận quên kính, căng mắt đối chiếu tên và sự lựa chọn của mình với tờ áp phích về tiểu sử của các ứng cử viên ở trong bốt. Những người xếp hàng đằng sau chắc hẳn sẽ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy thanh niên chưa già nhưng mắt toét dí mặt vào áp phích để so sánh.
Ấy rồi giây phút xấu hổ ấy cũng trôi qua. Ba lá phiếu màu xanh, vàng và hồng, đại diện cho ba khu vực bỏ phiếu uốn mình trườn nhẹ vào hòm phiếu. Con dấu đỏ cộp xuống tờ giấy trắng nặng nề bao nhiêu, tôi thấy người mình nhẹ bấy nhiêu.
Thanh thản vì đã bầu cử, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân? Chắc chắn rồi. Nhẹ bụng vì chưa lận lưng bát cháo quen thuộc? Có lẽ vậy.