TIN LIÊN QUAN | |
Nâng cao hơn nữa nhận thức về Cộng đồng ASEAN tại New Zealand | |
Khám phá New Zealand, tại sao không? |
Khám phá bản thân
Tôi theo học ngành Truyền thông ở Học viện Công nghệ Unitec tại thành phố Auckland, New Zealand. Trường cách trung tâm thành phố 20km, không quá xa, nhưng đủ giúp tôi tách biệt đôi chút với cuộc sống đông đúc, gắn bó với những điều bình dị và đôi phần yên ắng hơn. Tôi đến trường hai buổi một tuần bởi học kỳ này tôi chỉ học hai môn. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của tôi và các bạn cùng lớp, khối lượng kiến thức mà chúng tôi phải thu nạp rất nặng và căng thẳng. Thầy cô nói rằng, thời gian chúng tôi tự học mới thực sự quyết định tất cả.
Tác giả Nguyễn Hồng Giang, sinh viên ngành Truyền thông, Học viện Công nghệ Unitec (thành phố Auckland, New Zealand). |
Tôi còn nhớ bài viết luận 2.000 từ đầu tiên của môn Truyền thông Quốc tế. Tôi đã quyết định đổi đề tài sau gần một tháng tìm thông tin và nghiên cứu, chọn hẳn một hướng đi mới khi hạn nộp bài chỉ còn một tuần. Tôi đến gặp thầy Giles, phụ trách bộ môn này trong trạng thái khá căng thẳng và gần như mất hết tự chủ. Tôi có cảm giác mình đang mất cân bằng và lệch nhịp với thời khóa biểu ở đây.
Thế nhưng, thầy Giles không hề hỏi tôi về lý do đổi đề tài, hay về đề tài mới mà lại chia sẻ tôi là một học sinh đặc biệt thú vị, khi có thể vừa viết nhanh, vừa nghe thầy giảng mà không cần nhìn vào vở. Thầy nhấn mạnh, “đó là một khả năng đặc biệt và em nên tự hào về bản thân từ những điều nhỏ bé nhất”.
Thầy chợt dừng lại khi thấy một vài dòng chữ tôi ghi bằng tiếng Việt bên dưới và quay sang hỏi tôi về chữ viết của người Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trao đổi rất ý nghĩa về lịch sử, nguồn gốc và sự phát triển của chữ viết Tiếng Việt, thảo luận sang cả những ngôn ngữ khác. Chắc thầy không đoán được cuộc trò chuyện đã ảnh hưởng tới tôi như thế nào. Thầy truyền đạt những điều rất tự nhiên cho sinh viên, không chỉ dừng lại ở học thuật nghiên cứu, hơn hết, đó là sự dũng cảm, vững tin vào bản thân.
Không riêng tôi, thầy Giles đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác trong lớp. Một cậu bạn Ryan - người Trung Quốc có thói quen nghe giảng bằng tiếng Anh, nhưng ghi chép lại bằng tiếng Trung. Thầy Giles định nghĩa đó là “tài năng nhạy bén” trong chuyển đổi ngôn ngữ và khẳng định rằng, nếu mọi người mất từ một tới hai phút để nghĩ xem từ tiếng Anh này dịch sang ngôn ngữ nước mình là gì thì Ryan chỉ mất 20 giây...
Tóm lại, thầy Giles đã giúp chúng tôi để ý hơn những khả năng nhỏ bé mà trước đây bản thân không hề nghĩ tới. Chúng tôi biết yêu quý và trân trọng những điều đó hơn, bởi đơn thuần đó là sự khác biệt của mỗi người.
Lớp Truyền thông Phát triển và Thay đổi Xã hội trong hoạt động chiến dịch nhỏ ở trường học. |
Chia sẻ để khoan dung hơn
Môn học thứ hai của tôi ở kỳ I là Truyền thông Phát triển và Thay đổi Xã hội. Unitec là trường duy nhất ở New Zealand dạy bộ môn này và đây là lý do chính để tôi chọn trường và chọn ngành Truyền thông ở đây. Được nhìn ngắm các bạn đến từ nhiều đất nước khác nhau, với những màu da khác nhau, mang theo những đặc trưng văn hóa đa dạng..., tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Cô Trưởng Bộ môn – Valia giúp chúng tôi phân tích những vấn đề của đất nước mình, nhưng không phải để chỉ trích, mà để mở lòng. Cô nói, chúng tôi không cần đưa ra cách giải quyết ngay, quan trọng hơn hết vẫn phải hiểu thấu, chia sẻ và cảm nhận. Mỗi đất nước đều tồn tại những nỗi trải lòng rất riêng, kể cả đó là nơi phát triển hay đang phát triển. Tôi từng rất ngạc nhiên về Ấn Độ và cuộc khủng hoảng trọng nam khinh nữ khi cha mẹ có thể tự giết bỏ những đứa con gái của mình trước khi sinh hoặc khi vừa mới chào đời... Khi ấy, tôi nghĩ, đất nước nào cũng từng trải qua những thăng trầm xã hội và trách nhiệm của mỗi công dân là chia sẻ, cảm thông và quan trọng hơn là khoan dung hơn với đất nước mình.
Ở đây, chúng tôi hiểu ra rằng, bản thân không cần phải làm điều gì quá to lớn để thay đổi xã hội. Chúng tôi chỉ cần bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Ví dụ như cô giáo tôi - Valia có bức tranh về việc đòi quyền lợi cho những người phụ nữ, khi cùng làm một khối lượng công việc như nhau mà phụ nữ được hưởng số tiền ít hơn so với nam giới. Valia chia sẻ, chỉ cần chúng ta muốn làm, thì có thể bắt đầu từ những con số không, chúng ta có thể khởi động những dự án cho riêng xã hội mình, nhỏ bé hay lớn lao không quan trọng, miễn là thật tâm và chân thành, điều gì cũng có thể đổi thay.
Có một New Zealand rất mới Một chuỗi sự kiện sôi nổi với chủ đề “New Zealand – Chào đón những điều mới mẻ” sẽ chính thức bắt đầu từ hôm ... |
Cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa Bạn Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Victoria (New Zealand), chia ... |
Thúc đẩy hợp tác giáo dục New Zealand-Việt Nam Chiều 2/2, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã tổ chức Tiệc chào mừng Xuân Quý Tỵ 2013. |