Gia tăng mạnh trên toàn thế giới
Tội phạm môi trường là một trong những hình thức tội phạm siêu lợi nhuận, vô cùng hấp dẫn đối với các nhóm tội phạm có tổ chức. Trong những năm qua, tội phạm môi trường, đặc biệt là nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp, có dấu hiệu tăng mạnh trên toàn thế giới. Theo số liệu ước tính của Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), năm 2016, tội phạm môi trường đã kiếm được số tiền từ 91-259 tỷ USD.
Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh (GRIP), khoản tiền mà tội phạm môi trường kiếm được là cực lớn và rất khó hình dung quy mô thực sự của vấn nạn này. Nếu như trước đây tội phạm môi trường chủ yếu liên quan hoạt động khai thác gỗ, khoáng sản và săn bắn thì nay còn lấn sang hoạt động đánh bắt cá trái phép và buôn bán chất thải nguy hại. Vấn nạn buôn bán ngà voi và gỗ lậu vốn "nổi tiếng" ở Trung Phi, hiện nay tình trạng này ở Đông Phi cũng rất đáng báo động.
Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một vụ buôn bán ngà voi lậu. (Nguồn: Bangkok Post) |
Tại các vùng ven biển, đặc biệt là các hải cảng lớn như Lagos (Nigeria), chính là những điểm đen trung chuyển gỗ lậu, các loại động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được bảo vệ. Từ năm 2007 đến 2014 có tới 17.000kg ngà voi lậu bị bắt giữ tại Đông Phi, trong đó chủ yếu là ở Nigeria và Togo.
Các nước như Burkina Faso, Senegal và Cote d'Ivoire cũng đang nổi lên là địa điểm cất giấu và chứa chất thải nguy hại. Không chỉ là điểm trung chuyển, các nước này còn là nạn nhân của tội phạm môi trường trong lĩnh vực khai thác gỗ và đánh bắt cá. Đây là vấn nạn cực kỳ khó triệt phá vì không chỉ thuần túy chặt hạ gỗ lậu mà còn bao gồm hệ thống hoạt động vô cùng phức tạp.
Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác thủy sản cũng bị ảnh hưởng bởi nạn đánh bắt lậu, với khoảng từ 1/3 đến 1/2 sản lượng khai thác liên quan đến nạn đánh bắt lậu, mang lại số tiền 1,3 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo của GRIP cũng chỉ ra tình trạng ngày càng nhiều ngư dân phải bỏ nghề, thậm chí phải tham gia mạng lưới tội phạm do không cạnh tranh nổi với hoạt động đánh bắt quy mô công nghiệp cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Chung tay đối phó
Tội phạm môi trường là những hành vi tội phạm đã diễn ra từ khá lâu và vẫn đang còn tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng là hệ lụy từ những hành vi thiếu suy nghĩ của con người. Đây không còn là vấn đề riêng ở mỗi quốc gia mà nó đã trở thành vấn đề nan giải của hành tinh, đòi hỏi các quốc gia phải liên kết, hợp tác với nhau để chống lại loại tội phạm này.
Theo báo cáo chung từ Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Interpol, riêng thập kỷ qua, hơn 1/4 quần thể voi trên thế giới bị giết để lấy ngà. Lợi nhuận cao, rủi ro thấp là đặc điểm của tội phạm môi trường. Do đó, các nước cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ và xây dựng năng lực nhằm giúp các đội ngũ cán bộ đáp ứng với những tội phạm bạo lực và có vũ trang.
Ngày 6/11/2016, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi đi thông điệp kêu gọi thế giới cùng đối phó với tội phạm môi trường. Ông Ban nhấn mạnh tình trạng quản lý lỏng lẻo môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng có thể góp phần châm ngòi cho xung đột do những bên tham chiến có thể khai thác tài nguyên để có tiền nuôi cỗ máy chiến tranh.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi thế giới chung tay đối phó với tội phạm môi trường. (Nguồn: AFP) |
Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ đang rà soát khuôn khổ luật pháp để đưa ra những hướng dẫn nhằm hỗ trợ tốt hơn việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm về môi trường như nguồn nước.
Hiện nay, nhận thức về môi trường đang được nâng lên trên toàn thế giới. Điều cần nhất là phải thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong việc thống nhất các giải pháp đấu tranh chống tội phạm môi trường.