Các sinh viên Việt Nam cùng đội của mình đoạt giải Nhì trong một cuộc thi nấu ăn của Trường Quản lý và Hành chính công Hàn Quốc. |
Tôi đến Hàn Quốc để tham gia khóa học về hành chính công tại Trường Quản lý và Hành chính công Hàn Quốc. Đây là trường đặc thù dành cho cán bộ hành chính công từ các nước trên thế giới nên số lượng sinh viên Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên, Thủ đô Seoul là nơi cộng đồng người Việt sống tập trung khá đông nên việc kết nối thông tin rất thuận tiện.
Đùm bọc ở bất cứ nơi đâu
Ngày đầu tiên tới Seoul, cảm nhận đầu tiên của tôi là thời tiết ở đây lạnh hơn cái rét 9 độ ở Hà Nội rất nhiều. Nhờ có liên hệ trước với các sinh viên Việt Nam tại đây nên tôi không quá bỡ ngỡ. Có ra nước ngoài sinh sống mới hiểu sâu sắc hơn tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam.
Trong trường có ít sinh viên Việt Nam nên mọi người quyết định tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí, dễ hợp khẩu vị hơn, đồng thời đó cũng gắn kết với nhau hơn. Cuối tuần, chúng tôi thường đi chợ mua thực phẩm cho tuần sau để dành tối đa thời gian cho việc học tập.
Chi phí thuê nhà trọ ở Seoul khá đắt đỏ, mà lại phải đặt cọc khoản tiền lớn nên đa số sinh viên đều lựa chọn ký túc xá. Nếu điều kiện học tập hay làm việc quá căng thẳng, không bố trí được thời gian thì ăn cơm tại căng-tin trường là một lựa chọn không tồi.
Tại Trường Quản lý và Hành chính công Hàn Quốc, các giảng viên đều có bằng Tiến sĩ và phần lớn được đào tạo tại Hoa Kỳ. Là trường dành cho cán bộ quốc tế nên cơ sở hạ tầng cũng như chương trình học tập khiến các sinh viên rất hài lòng. Đa số các sinh viên Hàn Quốc đều học tập rất chăm chỉ và nghiêm túc nên dù muốn hay không, các sinh viên quốc tế đều chủ động học tập tinh thần này của người Hàn Quốc.
Nếu muốn tăng thu nhập và tận dụng cơ hội học tập, sinh viên có thể đăng ký làm thêm tại thư viện hoặc hỗ trợ giáo sư trên lớp. Để đảm bảo việc học tập cho mỗi sinh viên, trường quy định không được làm thêm quá 10 tiếng/tuần. Mỗi giờ làm thêm được nhà trường trả công khoảng từ 5.000-8.000 won (tương đương 100-160 ngàn đồng). Công việc tương đối nhẹ nhàng như xếp sách vào giá tại thư viện, hay chuẩn bị tài liệu cho giờ giảng của giáo sư trên lớp, kiểm tra sỹ số sinh viên...
Tiếng Hàn là... đầu câu chuyện
Cuộc sống ở Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nên đa số người Việt đều thích nghi rất nhanh. Tuy nhiên, nếu chưa từng làm quen với tiếng Hàn Quốc thì trở ngại đầu tiên chính là bất đồng ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính sử dụng trong trường vẫn là tiếng Anh song khi ra đường, nhiều người Hàn Quốc sẽ chỉ nói tiếng Hàn. Mọi đầu mối thông tin tác động đến bạn khi đặt chân ra đường sẽ là ngôn ngữ Hàn và vì thế, nếu không biết tiếng Hàn, bạn chỉ còn cách khua chân, múa tay cho đến khi người đối diện hiểu bạn muốn gì, hoặc có thể họ sẽ hiểu sai.
Tại Seoul, đa số người Việt là du học sinh và người đi làm, còn những cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chủ yếu sống ở các tỉnh phụ cận. Đó chính là một trong những trở ngại cho họ trong việc kết nối với cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Seoul và các thành phố lớn khác.
Kinh nghiệm đầu tiên đối với không chỉ sinh viên chúng tôi mà bất kỳ người Việt nào tới Hàn Quốc đều nên sử dụng được ngôn ngữ bản địa. Điều này không chỉ thuận tiện trong đời sống hàng ngày mà còn đảm bảo an toàn trong những tình huống đặc biệt hay khi cần làm việc với cơ quan chức năng sở tại.
Trường Quản lý và Hành chính công Hàn Quốc có chương trình học khoa học, thông tin bài giảng luôn rất thời sự. Trung bình cứ khoảng hai - ba tháng, Trường lại tổ chức một hoạt động lớn cho sinh viên và đây chính là dịp để các sinh viên quốc tế giới thiệu về đất nước mình.
Mới đây, trong cuộc thi nấu ăn do Trường tổ chức, nhóm sinh viên các nước Việt Nam, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào và Myanmar đã giành giải Nhì. Hầu hết các sinh viên đều ý thức được việc học tập trong môi trường quốc tế chính là cơ hội để quảng bá cho đất nước mình nên mọi người tham gia rất nhiệt tình và thể hiện bản sắc dân tộc mình rất cao.
Đó cũng là điều mà sinh viên Việt Nam chúng tôi học tập được rất nhiều từ các bạn Hàn Quốc và sinh viên các nước khác.
Đào Hương (Từ Seoul)