📞

Tokyo - Hà Nội: Vẫn là câu hỏi TẠI SAO?

07:00 | 27/01/2017
Thu-Đông Bính Thân vừa qua, nhờ cơ duyên về Biển Đông, tôi được mời trở lại Đại học Takushoku, Nhật Bản. Bên lề cuộc hội thảo khoa học hàng năm này, tôi dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với “Nhóm Phan Bội Châu” và “Hội Truyền bá Sự thật Lịch sử”.

Cho tới khi chiếc Boeing VN 0385 cất cánh rời khỏi phi trường quốc tế Haneda, trong rì rầm tiếng động cơ phản lực, bên tai vẫn vọng vang âm hưởng “KIAI” - dữ dội như tiếng thét trong võ đạo của người Nhật. Nhưng tiếng thét từ tâm trí tôi hẳn nhiên không thể là “KIAI”! Tiếng thét ấy chỉ đơn giản là câu hỏi “TẠI SAO” to tướng, tròn trĩnh Cùng đồng chủng tóc đen da vàng cả, tại sao người Nhật lại có tầm nhìn vượt trội đến vậy? Qua trao đổi với “Hội Truyền bá Sự thật Lịch sử”, tôi giật mình nhận ra, câu hỏi “TẠI SAO” ấy đã có từ thời các bậc tiên liệt Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lặn lội và mạo hiểm đi tìm con đường Đông Du thuở nào...

Tác giả phát biểu tại Hội trường Shintobe với hơn 300 thính giả từ Đại học Takushoku.

“Đông phương hóa” lên ngôi

Vào cuối đợt hội thảo, Moteki Hiromichi, Chủ tịch “Hội Truyền bá Sự thật Lịch sử”, nói với tôi: “Nếu sang năm 2017, chúng ta cùng kỷ niệm 110 năm sự liên đới giữa Khánh Ứng Nghĩa Thục của chúng tôi với Đông kinh Nghĩa thục của các bạn, chúng ta sẽ thấy bang giao Nhật - Việt được nhen nhóm, vun đắp từ xa xưa. Nhưng sau đó bị gián đoạn quá lâu bởi những khúc quanh định mệnh của lịch sử, hay nói theo Phật pháp, do cái duyên tự thân nó chưa bén”. Vâng, những lời tâm giao của Moteki gợi lại những hoài niệm về “Đông kinh Nghĩa thục”, một cao trào lấy cảm hứng từ triết lý giáo dục của tiên sinh Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa) từ triều đại Khánh Ứng... Bắt đầu từ Hà Nội, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương khác khắp trong cả nước, từ năm 1907 trở đi. Lời cảm thán trong đoạn kết của “Nam quốc vĩ nhân truyện” ngày nào vẫn còn nguyên giá trị: “Rồi đây khí thiêng non nước hun đúc nên những con người giữa thời buổi gió Âu mưa Mỹ này, biết đâu sẽ có kẻ vì Tổ quốc mà quét mù vén mây, khai thác hẳn cho nước nhà một bầu trời quang đãng lẫy lừng”.

Và lạ lẫm thay, dằng dặc sau hơn một thế kỷ, khi làn sóng dân túy và chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy trên quy mô toàn cầu đe dọa nền tảng truyền thống trên cả hai bờ Đại Tây Dương, các “think tank” Âu-Mỹ giờ đây mới nhận thức ra vị trí trọng yếu của Á châu như một xu thế mang tên “Đông phương hóa”. Hans Rosling thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển vừa đưa ra con số độc đáo 1114 mà ông gọi là mã pin của thế giới - có nghĩa là trong số 7 tỷ người trên hành tinh hiện nay, khoảng 1 tỷ sống ở châu Âu, 1 tỷ sống tại châu Mỹ, 1 tỷ ở châu Phi và 4 tỷ ở châu Á. Đến năm 2050, dân số thế giới có thể lên tới 9 tỷ. Mã pin lúc ấy sẽ đổi thành 1125, với cả Phi lẫn Á, mỗi châu lục thêm một tỷ người. Trong nhiều thế kỷ, sự vượt trội mọi mặt của phương Tây so với phương Đông đã dẫn đến việc phương Tây giữ vị thế “chiếu trên” trong đời sống quốc tế. Nhưng sự phát triển nhanh chóng ở châu Á qua những thế hệ gần đây đã rút ngắn khoảng cách, đủ để cho châu Á bắt đầu có những tác động mạnh mẽ đến cán cân địa-chính trị thế giới.

Nippon Budokan

Vấn đề là các nước Á Đông, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ làm thế nào bắt kịp chuyến tàu tốc hành mới này. Bởi vì bất kỳ một quốc gia nào chậm chân một lần nữa trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư hiện nay, sự lạc lõng lần này sẽ diễn ra theo đà gia tốc. Nghĩa là cách đây 20 năm, đó là sự tụt hậu của người đi bộ với người đi xe, còn từ nay sẽ là sự tụt hậu giữa người đi bộ với... tên lửa! Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được lựa chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào tháng 1 này tại Davos, Thụy Sỹ. Các quốc gia đã/đang xem xét xây dựng các chiến lược, chính sách mới để tương thích với cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau. Các quốc gia vừa và nhỏ càng cần phải có sự tự tin - tự trọng - tự chủ (Tam Tự) mới vượt lên được phía trước. Motaki gút lại câu chuyện: “Tam Tự và Tứ Tương trong hoàn cảnh mới là tối cần thiết”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích, hai nước phải cùng nhau làm sống lại tinh thần của các bậc tiền bối: “Tương thông, Tương liên, Tương đồng và Tương hỗ”.

“Tư duy đột phá” xứ Phù Tang

Đa phần những người Nhật tôi tiếp xúc trước đây đều lịch thiệp và chu toàn, nhưng dường như ít cởi mở và trải lòng. Hoàn toàn không phải là thái độ thờ ơ đối với chính sự của thiên hạ, nhưng nhìn chung bạn khá kiệm lời khi bình luận về các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Tuy nhiên, cuộc gặp lại những người bạn cũ ở Đại học Takushoku và Waseda vào Thu - Đông Bính Thân vừa qua, đặc biệt là cuộc trả lời phỏng vấn báo Mainichi Shimbun (Tin tức Hàng ngày) tại Câu lạc bộ Báo chí quốc tế Tokyo đã điều chỉnh lại nhận thức của tôi về “độ mở” của các đồng nghiệp xứ Phù Tang. Trước nay, mỗi dịp lưu lại không quá một tuần ở Tokyo, chương trình làm việc lần nào cũng đặc quánh. Từ các cuộc gặp hẹp đến hội luận chính thức, từ những cuộc trà đàm mang đậm văn hóa Nhật Bản đến buổi diễn thuyết trước cả vạn con người từ khắp mọi vùng miền đất nước tề tựu về Vũ đạo trường Nippon Budokan, Tokyo để nghe một nhà báo Việt Nam nói về bang giao Việt - Nhật… đâu có được nhiều thời gian để quan sát, để cảm nhận.

Nhưng lần này, bạn chủ động trao đổi nhiều chuyện. Bạn rất quan tâm đến những tương đồng và dị biệt giữa hai cuộc xung đột, trên Hoa Đông lẫn Biển Đông, nhất là nhìn từ khía cạnh căn nguyên và tiến trình tranh chấp, đặc biệt là nhìn từ góc độ cuộc đấu tranh trong lĩnh vực pháp lý và truyền thông. Theo cô Aika, Trợ lý Chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo được một bước “đột phá” trong chính sách đối ngoại nhằm gây dựng một hình ảnh nước Nhật khác trước đây. Đó chính là Bộ Luật An ninh mới của Nhật, một kết quả của quá trình chuẩn bị dài lâu, mở đường để thay đổi Hiến pháp Hòa bình và nâng cao vai trò tích cực của quân đội Nhật.

Khi ngồi gõ những dòng cuối của bài báo Tết này, tôi nhận được thư chúc mừng Noel và năm mới của Moteki. Ông gửi Giấy phép của Nhà xuất bản chấp thuận cho Trung tâm tôi dịch miễn phí cuốn sách của ông. Moteki còn nhắn thêm trong thư chúc Tết: Hãy chú ý những dư chấn từ các chuyển động mới đây trong chính trị thế giới. Kỷ nguyên “khai minh” có nguy cơ lụi tàn bên trời Âu hiển nhiên ảnh hưởng lớn, nhưng chính sách “xoay trục” của các cường quốc, khiến cho một số nước và vùng lãnh thổ Đông Á cũng phải đảo trục để đối phó, có thể gây cho chúng ta nhiều họa hơn phúc, nếu chúng ta không biết cách chủ động ngay từ bây giờ...