Toàn cảnh Hội thảo "Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam". (Nguồn: Cục SHTT) |
Hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4), Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), sáng 18/4, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ ) phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam” theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Đông đảo các thầy cô giáo và các sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Văn hóa, Đại học Ngân hàng… đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là đối với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới.
Theo Cục trưởng, sở hữu trí tuệ ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, thanh niên Việt Nam, khi lực lượng thanh niên hiện nay chiếm gần ¼ dân số, là chủ nhân tương lai của đất nước luôn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Năm 2022, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn chủ đề: “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lại tốt đẹp hơn". Tiến sĩ Đinh Hữu Phí cho rằng, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững.
Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo khi có sự kết hợp của ba sự kiện đặc thù giữa quyền sở hữu trí tuệ, văn hoá đọc và bình đẳng giới.
Trên thực tế, vấn đề về văn hoá đọc của sinh viên được quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt là ở các trường đại học khi một bộ phận sinh viên với tình trạng ngại đọc hoặc có xu hướng lựa chọn đọc sách ngắn.
Ông Trần Quang Tiến nhấn mạnh, việc giữ gìn thói quen đọc sách và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một nhu cầu trong xã hội hiện nay, bởi vì tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường đại học, doanh nghiệp, xã hội.
Trưng bày sách của Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật phục vụ độc giả. (Nguồn: Cục SHTT) |
Nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học và vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong sinh viên, Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T&G cho rằng, sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Vì thế, sinh viên cần nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học như: Tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học; chuyên môn, ngoại khóa khác; hợp tác với các đối tác bên ngoài trường…
Ngoài ra, sinh viên cần hiểu quyền sở hữu trí tuệ tương ứng với mỗi loại tài sản nào; điều kiện bảo hộ của mỗi loại quyền; xác định tác giả và chủ sở hữu của từng loại tài sản...
Theo Tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, thúc đẩy văn hóa đọc là việc xây dựng, phát triển cách ứng xử, giá trị đọc, chuẩn mực của cá nhân, cơ quan tổ chức và cộng đồng, tôn trọng quyền, nhân phẩm của người đọc, tôn trọng tri thức, tăng cường khả năng tiếp cận, kiểm soát tri thức, giảm thiểu khoảng cách giới trong văn hóa đọc.
Do vậy, giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới trong giới trẻ, trước hết người đọc, nhất là sinh viên cần chọn sách, chọn chủ đề để đọc; lưu ý các tài liệu góp phần giáo dục, thúc đẩy quyền con người, nhân phẩm con người, tôn trọng phụ nữ và các đối tượng yếu thế; tiếp nhận tối đa sâu sắc nội dung đọc; tôn trọng người đọc sau (giữ gìn tài liệu, không ghi lên tài liệu); củng cố nội dung đọc (ghi chép, trao đổi, chia sẻ)...
Đồng thời, giới trẻ cần quan tâm thúc đẩy văn hóa đọc của cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng; phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách, trao đổi về sách vào chương trình học ở các cấp…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp các thắc mắc của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đối với các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó tập trung một số nội dung như: Hành vi nào của sinh viên được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Hành vi sử dụng lại nhạc nền đã được bảo hộ quyền tác giả có cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả không?...
Trong khuôn khổ Hội thảo, các sinh viên được tham gia trò chơi tìm hiểu về sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc.