Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo và đại diện đồng bào các dân tộc. |
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền của Tổ quốc" là một hoạt động thường niên, nhân dịp Tết đến Xuân về và được nhiều bà con dân tộc trên mọi miền Tổ quốc mong đợi. Đây là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và là dịp lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết cộng đồng dân tộc Việt Nam góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, động viên tinh thần phấn khởi đón Xuân với khí thế mới, đồng thời giới thiệu về đất nước con người Việt Nam nói chung và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - ngôi nhà chung của 54 dân tộc nói riêng.
"Cây đoàn kết" mãi xanh tươi
Trong không khí rộn ràng đầu Xuân mới, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới đại diện đồng bào các dân tộc Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định: Việc tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền tổ quốc" hàng năm là một sáng kiến góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng tại buổi gặp mặt này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe đại diện của các cộng đồng dân tộc bày tỏ lòng cảm ơn tới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mong muốn tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào được tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần giao lưu tình cảm giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nước ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần đoàn kết dân tộc đã trở thành nền tảng, động lực, nguồn sức mạnh bên trong vô cùng mạnh mẽ để dân tộc ta vượt qua mọi thác ghềnh, thử thách đưa đất nước phát triển và không ngừng lớn mạnh.
Sau khi thăm hỏi, chúc Tết đại diện cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các ông: Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc"; Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam… đã tham dự Lễ cầu an, cầu mưa thuận gió hòa do đồng bào dân tộc Lô Lô, tỉnh Hà Giang thực hiện và trồng cây tại Đồi 19/4.
Chung tay giữ gìn bản sắc
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" còn tái hiện các lễ hội, nghi lễ mùa Xuân của cộng đồng các dân tộc như "Hội làng mừng năm mới" của dân tộc Dao, "Hội Chá Chiêng" của dân tộc Thái, Lễ Hội cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Sán Chay, "Lễ hội bắt chồng" của dân tộc Chu Ru, Tết Păng Katê của dân tộc Chăm, "Lễ cúng trỉa lúa" của dân tộc Brâu. Đặc biệt, "Hội đua ngựa Xuân Giáp Ngọ" của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc.
Trong nhiều năm liên tục, Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" đón nhiều kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đến tham dự những ngày lễ hội vui tươi này. Ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada bộc bạch: “Tôi rất ấn tượng với chùa Khmer hay nhà rông của dân tộc Tây Nguyên... Tôi nghĩ, tôi và những người đến đây đều cảm nhận, các dân tộc Việt Nam ta xích lại gần nhau. Và, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc đẹp hơn, chúng ta nên xã hội hóa. Nhân dân và Nhà nước cùng làm, xây dựng nơi này khang trang để chứng tỏ rằng: Sự đoàn kết của dân tộc ta là trường tồn”.
Đến với Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", du khách còn được trải nghiệm, tiếp xúc với các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, vừa tạo sự gắn kết giữa các đồng bào dân tộc vừa hòa mình trong không khí văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc.
Đó cũng chính là mục đích ý nghĩa của Ngày hội. Chúng ta luôn cần tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vì bản sắc văn hóa dân tộc là cốt lõi và là "sức mạnh nội sinh" của dân tộc.
Minh Hòa