📞

Tôn vinh nghệ thuật múa rối truyền thống

07:20 | 16/10/2009
Đêm tôn vinh nghệ thuật múa rối truyền thống 2009, bước khởi đầu của những ý tưởng đẹp nhằm giữ lửa cho môn nghệ thuật dân tộc này do Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa Thiếu Nhi Hà Nội vào tối 15/10. Đêm hội được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Đêm tôn vinh nghệ thuật múa rối truyền thống 2009, bước khởi đầu của những ý tưởng đẹp nhằm giữ lửa cho môn nghệ thuật dân tộc này do Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa Thiếu Nhi Hà Nội vào tối 15/10. Đêm hội được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Là một bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc lâu đời, kết tinh trí thông minh và tài khéo của nhân dân lao động, nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam gắn bó khăng khít với các lễ hội, bởi sức hấp dẫn kỳ lạ từ những tích trò giản đơn mà thâm thúy, cùng những quân rối được sáng tạo với tất cả niềm yêu thương. Tại Hà Nội có 5 phường rối nước có bề dày lịch sử hàng tăm năm nay đang được gìn giữ và tiếp tục phát huy như phường rối Đào Thục (Đông Anh), Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú, Tế Tiêu (Thạch Thất). Đặc biệt hơn nữa là di tích  Thủy đình rối nước Hồ Long tại khu di tích chùa Thầy, thể hiện nguyên vẹn cả giá trị nghệ thuật kiến trúc lẫn giá trị lịch sử “độc nhất vô nhị thể” của rối nước Việt Nam.

Bất chấp thời tiết khá lạnh và mưa phùn, hàng ngàn bậc phụ huynh vẫn đưa con tới thưởng thức, cổ vũ cho các chương trình múa rối đặc sắc trong đêm hội.  Những tiết mục  rối cạn đặc sắc như Chọi trâu, múa lân… rối nước như đi cày, đi cấy đã thực sự thu hút sự chú ý của công chúng và được sự cổ vũ nhiệt tình của các em nhỏ. Đặc biệt, tiết mục thể hiện sự sáng tạo kết hợp giữa múa rối đặc sắc của VN với phương Tây là những nghệ sỹ múa rối mặc trang phục của các vũ công Falmenco thể hiện màn múa Lục cúng hoa đăng.

Cách đây một tháng, Nhà hát đã ra mắt công chúng vở rối cạn “Nàng Hến” lấy cảm tác từ vở “Nghêu-Sò-Ốc-Hến”, từng thành công ở các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo, kịch nói. Vở diễn huy động 14 diễn viên diễn ngoài sân khấu cùng khoảng 20 quân rối, với lời thoại và âm thanh trên nền hát dân ca.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là do chưa có địa điểm biểu diễn “rối cạn”, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn phải thuê địa điểm để tập luyện và biểu diễn tại Trung tâm chiếu phim Quân đội tại phố Lý Nam Đế, trong khi vẫn phải đảm bảo mỗi ngày 3 suất diễn rối nước tại Nhà hát.

Đêm hội quy tụ gần 150 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), Đoàn Múa rối Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các phường múa rối trên địa bàn Thủ đô.

A.L