Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tại lễ đón chính thức, ngày 19/8. (Ảnh: TTXVN) |
Chuyến thăm không chỉ mang thông điệp trở về lịch sử mà còn có ý nghĩa hướng tới tương lai với một Tuyên bố chung và các nhận thức chứa đựng nhiều kỳ vọng, tin tưởng trên con đường phía trước của hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Một hành trình trọn vẹn của những chia sẻ và nguyện ước chung về một giai đoạn mới của quan hệ song phương ngày càng ổn định, bền vững.
Xuyên suốt chuyến thăm, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đoàn rất trọng thị, chu đáo, bố trí các biện pháp lễ tân, hậu cần, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Trong hơn hai ngày của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã có 18 hoạt động quan trọng như hội đàm cấp cao, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác, dự tiệc trà và chiêu đãi cấp Nhà nước do đồng chí Tập Cận Bình chủ trì; hội kiến với Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đã thăm tỉnh Quảng Đông, thăm Di tích trụ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên, viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, dự Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc, hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh…
Dòng suối nhỏ hội tụ dòng sông lớn
Chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tới sân bay quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông chỉ sau khoảng 1 giờ 30 phút khởi hành từ sân bay Nội Bài. Như vậy mới cảm nhận rõ lời bài ca “Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông”. Quảng Đông – điểm đặt chân đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và là hành trình đầy xúc động.
Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước đã đến Quảng Châu để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, cũng là dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với sự phối hợp, hỗ trợ quý báu của Trung Quốc với cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử.
Tại căn nhà số 13 (nay là 248-250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, trong những năm từ 1924 đến 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam - những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của đất nước. “Địa chỉ đỏ” thiêng liêng này có tên “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” được gìn giữ trong nhiều thập kỷ qua. Căn nhà ấy vẫn như còn đâu đây hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những bức ảnh, hiện vật được bày biện trang trọng và vẹn nguyên.
Giữa sôi động náo nhiệt của một thành phố sầm uất vào bậc nhất, chính quyền và nhân dân Quảng Đông trân trọng và giữ gìn không gian truyền thống lịch sử từ trăm năm như vậy thể hiện rõ tình cảm sâu nặng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước, như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh: “Kế thừa, phát huy truyền thống hữu nghị như những dòng suối nhỏ và cùng gắn bó hội tụ vào dòng sông lớn của mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc”.
Hướng ưu tiên, lựa chọn chiến lược
Chuyên cơ nghiêng cánh rời Quảng Đông tới thủ đô Bắc Kinh nhưng trong lòng mỗi người dường như còn vương vấn âm hưởng của bài ca “Việt Nam - Trung Hoa” tại buổi Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.
Tiếp hành trình, tại thủ đô Bắc Kinh, trong không khí chân thành, hữu nghị, gần gũi của buổi hội đàm hay bên ly trà thơm, Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước trao đổi về những bước phát triển lớn cũng như phương hướng sắp tới của quan hệ song phương.
Hai bên khẳng định sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Trong đó, Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Bình luận về chuyến thăm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự coi trọng quan hệ này. Chuyên gia Quản Diêu, nhà bình luận cao cấp của Đài truyền hình Thâm Quyến (Trung Quốc) nhận định: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư cho thấy sự coi trọng cao độ đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước”.
“Những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra”. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung |
Bên cạnh đó, hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí cao về việc tăng cường tin cậy chính trị, duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, khẳng định vai trò định hướng chiến lược của kênh Đảng. Lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai nước cho rằng hợp tác lý luận, chia sẻ những thành quả mới nhất về lý luận và thực tiễn có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào sự nghiệp của mỗi Đảng, mỗi nước. Thông điệp còn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm truyền tải khi thăm Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - cái nôi của giáo dục lý tưởng cách mạng, lý luận chính trị của Trung Quốc và cũng là nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng là hiệu trưởng. “Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, các vấn đề về cán bộ và lý luận luôn là những vấn đề căn cốt, được đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết.
Nhấn mạnh phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt”, hai bên mong muốn thực hiện nghiêm túc phương hướng “sáu hơn” với nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước. Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên thống nhất xác định năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thúc đẩy “kết nối cứng”, nâng cấp “kết nối mềm”
Trong thời gian diễn ra chuyến thăm, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết với tựa đề “Kỳ vọng quan hệ Việt - Trung vững chắc và phát triển”, phác họa bức tranh sôi động của hợp tác kinh tế thiết thực Việt – Trung với những chuyến tàu chở hàng liên vận sôi nổi, thương mại, kết nối hạ tầng được đẩy mạnh; đồng thời bày tỏ kỳ vọng thông qua chuyến thăm các lĩnh vực hợp tác được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.
Xuyên suốt chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác. Cụ thể, hai bên nhất trí tạo thuận lợi về thương mại, mở rộng xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; thúc đẩy kết nối chiến lược, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và con đường”; đẩy nhanh “kết nối cứng” về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan, cửa khẩu thông minh…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tăng cường xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao. Trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng nhập khẩu hàng nông sản Việt, mở rộng văn phòng xúc tiến thương mại; cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối hai nước ở phía Bắc.
Chuyến thăm có lợi cho việc tiếp tục thúc đẩy, nâng cấp quan hệ hai nước và tác động tích cực tới thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-ASEAN. TS. Dương Đan Chí Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. |
Quyết tâm thúc đẩy hợp tác càng được phản ánh sinh động thông qua việc hai bên đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển; tái khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có đoạn: “Bước vào thời đại mới, hai bên sẽ không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung…”. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trở thành mốc son quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và “chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”, như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ với báo giới.
| Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình Ngày 19/8, tại Đại lễ đường nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, ngay sau Lễ đón chính thức trọng thể, Tổng Bí thư Ban Chấp ... |
| Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung ... |
| Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân, hai nước đã ra ... |
| Những thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc góp phần củng cố cục diện đối ngoại Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung chia sẻ về những điểm nhấn và các biện pháp nhằm ... |
| Việt Nam và Trung Quốc tập trung thúc đẩy hợp tác vào 5 phương diện chính Trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và ... |