Đại sứ vui lòng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm lần này?
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa quan trọng.
Trước hết, đây là cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Pháp kể từ khi ông Macron trở thành Tổng thống của Pháp.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27/3/2018. |
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raúl Modesto Castro Ruz, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27/3 và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến ngày 30/3. |
Tiếp đó, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước có nhiều diễn biến quan trọng. Với Pháp, đó là những thay đổi xã hội rất sâu sắc kể từ năm 1958 (nền cộng hòa thứ 5 ra đời) với thất bại của 2 đảng truyền thống và thắng lợi của đảng chính trị mới ra đời LREM (Đảng Cộng hòa tiến bước) của Tổng thống Macron - người đang thực hiên những cải cách quyết liệt cả về kinh tế và xã hội. Với Việt Nam, đó là tăng trưởng kinh tế liên tục 6-7% hàng năm, sự ổn định chính trị và những thành công to lớn về đối ngoại, đặc biệt là vị thế của Việt Nam được nâng cao đáng kể từ thành công của Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng.
Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi về những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đã được thiết lập từ cách đây 5 năm.
Hơn nữa, chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Các kết quả của chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Pháp chuyển sang giai đoạn mới, sâu sắc và mở rộng hơn nữa, phù hợp với mong muốn của hai bên; xứng tầm với vị thế mới của Pháp ở châu Âu và EU cũng như vị trí quan trọng của Việt Nam tại ASEAN và Đông Nam Á, Thái Bình Dương.
Chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam gặp gỡ và tri ân các bạn bè Pháp đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc đàm phán trước đây trong bối cảnh vừa kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là sự kiện ngoại giao quan trọng, đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.
Tóm lại, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư lần này sẽ là một dấu mốc mới của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Xin Đại sứ cho biết những nét chính về quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước?
Việt Nam và Pháp vốn có quan hệ truyền thống lịch sử từ lâu đời, mang nhiều dấu ấn bang giao giữa hai dân tộc. Ngày 12/4/1973, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Trải qua chiều dài của lịch sử và những thăng trầm, quan hệ song phương đã phát triển tốt đẹp dựa trên những gắn bó và sự gần gũi về lịch sử và văn hóa.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dấu mốc mới của tình hữu nghị Việt Nam – Pháp. |
Hiện nay, hợp tác giữa hai nước đã phát triển khá toàn diện, hiệu quả và ngày càng mở rộng với nhiều cơ chế và kênh hợp tác trên tất cả lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học, tư pháp, y tế…
Bên cạnh đó, quan hệ trao đổi, giao lưu đa dạng và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt thông qua hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) - nét đặc thù khó mối quan hệ song phương với nước nào có được.
Với những nền tảng và thành quả hợp tác to lớn đó, năm 2013, hai nước đã nâng cấp và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược - một khuôn khổ hợp tác mới, ổn định và lâu dài. Giờ đây, sau 5 năm, Việt Nam và Pháp lại đang đứng trước cơ hội có thể phát triển quan hệ lên một tầm cao mới, tương xứng hơn với quan hệ lịch sử truyền thống tốt đẹp và vị thế, tiềm năng của hai nước.
Hợp tác kinh tế tuy phát triển nhưng theo thống kê, Pháp chỉ đứng thứ 16/125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp có kế hoạch gì để làm cho lĩnh vực này khởi sắc?
Tính đến cuối 2017, Pháp có 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Đây là con số còn thấp so với tiềm năng của một nền kinh tế thuộc G7 và hiện đứng thứ 5 thế giới với năng lực dồi dào về công nghệ, tiềm năng về vốn và có quan hệ gắn bó với Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. |
Để thúc đẩy lĩnh vực này khởi sắc, nhất là sau 20 năm các doanh nghiệp Pháp là những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên có mặt ở Việt Nam, Đại sứ quán sẽ làm hết sức mình để trở thành cầu nối, giúp cho sự trao đổi, kết nối giữa các nhà đầu tư Pháp và các cơ quan hữu quan Việt Nam hiệu quả hơn, góp phần tăng cường kết quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại hai bên.
Đại sứ quán sẽ tích cực thúc đẩy các dự án mới thông qua các biện pháp như: phối hợp với Hiệp hội giới chủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp và các địa phương của Pháp tổ chức cuộc gặp giữa Lãnh đạo Cấp cao, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp; tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp tại Pháp; tổ chức các đoàn doanh nghiệp Pháp về Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư trên cơ sở đánh giá kỹ về nhu cầu và tiềm năng của các bên.
Việc quảng bá về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam cũng rất quan trọng, nhất là về các lợi thế của Việt Nam như chính trị-xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng cao, thị trường lớn với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, môi trường đầu tư ổn định, chỉ số kinh doanh cải thiện, lực lượng lao động trẻ, ngày càng có tay nghề kỹ thuật cao…
Lễ khởi động Chương trình kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp. Ảnh: Q.Đ) |
Thời gian tới, hai nước cần chú trọng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực nào để tiếp tục khai thác mối quan hệ truyền thống tốt đẹp nhằm tranh thủ được thế mạnh của mỗi bên?
Thứ nhất, hai bên cần thúc đẩy hợp tác chính trị-ngoại giao, tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hai nước, trao đổi đoàn giữa các cơ quan nghị viện hai nước, Hội nghị hợp tác phi tập trung (hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh/thành Việt Nam)…
Thứ hai, hai bên cần tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, trong đó có hợp tác về đào tạo quân y, thủy đạc và hải dương học; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng, cứu hộ-cứu nạn; trao đổi đoàn quan chức cấp cao và chuyên gia; nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban chung về hợp tác quốc phòng.
Thứ ba, hai bên cần tạo bước chuyển mạnh mẽ hợp tác về thương mại và đầu tư thông qua nâng cao chất lượng cơ chế Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia sâu hơn vào thị trường của nhau.
Thứ tư, về hợp tác phát triển, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ trao đổi về tăng hiệu quả sử dụng vốn vay ODA. Pháp là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ 1993). Năm 2017, Việt Nam đã giải ngân 104 triệu USD.
Thứ năm, hai bên cần rà soát nhằm nâng cao hiệu quả các khuôn khổ, cơ chế hợp tác hiện có trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, pháp luật và tư pháp, y tế, Pháp ngữ… Hai bên cũng cần trao đổi và đề ra một số khuôn khổ, cơ chế hợp tác cho phù hợp với tình hình mới, mở ra hướng hợp tác về kinh tế số nhằm tiếp cận và tranh thủ lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin cảm ơn Đại sứ.
Việt Nam – Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973, ký thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 9/2013. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ truyền thống với Đảng Cộng sản Pháp, đã thiết lập quan hệ với Đảng Xã hội Pháp, Đảng Những người Cộng hòa Pháp. Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2017 đạt 4,62 tỷ USD; là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ ODA hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện nay khoảng trên 300.000 người. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với 7.000 lưu học sinh. |
Thành Châu
(thực hiện)