Hội thảo quốc tế Việt Nam học bắt đầu được tổ chức từ năm 1998, đến nay là lần thứ 5. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu công bố các kết quả nghiên cứu mới về tất cả các lĩnh vực của Việt Nam; là dịp để các nhà nghiên cứu kết nối, gặp gỡ giao lưu, trao đổi các mối quan tâm, qua đó nâng cao tri thức và hiểu biết về Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu,” Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 tập trung vào các nội dung có ý nghĩa thực tiễn, những vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, đó là chuyển giao tri thức, khoa học công nghệ, vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững. Hội thảo lần này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới khoa học trong và ngoài nước.
Ban Tổ chức đã chọn được hơn 800 báo cáo trên tổng số gần 1.000 bản đăng ký tham dự, trong đó có hơn 150 báo cáo của các học giả quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ban tổ chức Hội thảo kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ tăng cường kết nối các học giả nghiên cứu Việt Nam, tạo thành mạng lưới các nhà Việt Nam học , thúc đẩy ngành nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới, đẩy mạnh các chương trình đào tạo về Việt Nam học…
Trong không khí chân tình, cởi mở, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã nêu lên những cảm nhận về thành tựu phát triển của Việt Nam qua 30 năm Đổi mới, vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng cao trên khu vực và thế giới.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có quyết tâm mới, khí thế mới , nỗ lực vươn lên trong quá trình phát triển . Tuy nhiên, b ên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Các học giả đã chia sẻ những nhận định và kiến nghị liên quan đến chiến lược phát triển của Việt Nam trong tương lai; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những gợi ý chính sách đối với Việt Nam; biến đổi khí hậu, biện pháp ứng phó và thích ứng của Việt Nam…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, mang đến những tình cảm thân thiết đối với đất nước, nhân dân Việt Nam , đưa thế giới đến gần với Việt Nam hơn và giúp Việt Nam gắn bó hơn với thế giới. Gần 20 năm qua, trên thực tế đã dần hình thành một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này đã lựa chọn chủ đề rất toàn diện, đề cập đến những vấn đề thiết thực, vừa mang tính khoa học vừa tư vấn chính sách cho Việt Nam.
Tổng Bí thư đặc biệt hoan nghênh, cảm ơn các nhà khoa học luôn dành cho Việt Nam những ý kiến đóng góp chân tình, quý báu , thực sự là những người bạn thân thiết của Việt Nam. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tập hợp, báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam để xem xét nghiên cứu trong quá trình xây dựng, cũng như chỉ đạo thực thi các đường lối, chính sách của Việt Nam.
Những ý kiến đó của các nhà khoa học thể hiện tình cảm tốt đẹp, tâm huyết và mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, phù hợp với nguyện vọng của Việt Nam, để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào đời sống quốc tế.
Tổng Bí thư nêu rõ Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp h óa hiện đại hóa và đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Việt Nam vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng, kiến thức, kinh nghiệm quản lý…
Trong quá trình phát triển đi lên, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả và quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà khoa học, các học giả quốc tế. Tổng Bí thư bày tỏ sự trân trọng, đánh giá những ý kiến tham vấn của các nhà khoa học; mong muốn các nhà khoa học bằng trí tuệ, tâm huyết và tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, sẽ tiếp tục nghiên cứu, truyền bá rộng rãi để bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm phát triển đất nước.
Tổng Bí thư căn dặn các nhà khoa học của Việt Nam cần vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức và hiểu biết, trau dồi ngoại ngữ, tăng cường giao lưu, kết nối với các nhà khoa học quốc tế.
Tổng Bí thư mong muốn các nhà khoa học Việt kiều đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài luôn hướng về quê hương đất nước, làm tốt vai trò cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè thế giới, góp phần để ngành Việt Nam học ngày càng phát triển trong tương lai.
Tổng Bí thư hoan nghênh và đồng tình với một số ý kiến, đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà Việt Nam học, đồng thời thu hút chất xám của các khoa học, trong đó có việc thành lập một trung tâm thông tin nghiên cứu Việt Nam học, việc xây dựng bộ quốc chí Việt Nam.