Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: M.H) |
Ngày 6/10, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng cho thấy, kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng 2024 tiếp tục xu hướng tích cực.
Những điểm nổi bật trong quý III và 9 tháng đầu năm 2024
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 2,58%. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất 6 năm qua. GDP quý III ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 2,58%. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%. Đặc biệt trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm qua. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Về sử dụng GDP quý III, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84% và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Như vậy, GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng
Nhận định chung, bà Nguyễn Thị Hương cho hay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Thêm vào đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: M.H) |
Tuy nhiên sau nhiều biến động, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Theo đó, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chậm. Trong tháng Chín, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó, đạt từ 2,7% đến 3,2%, tương đương tăng trưởng năm 2023.
Cụ thể, Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2024. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (FR) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Sáu. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra mức 3,2% và cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng Năm. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm tháng Tư.
Trong khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Singapore là 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm, trái lại Thái Lan là 2,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Bảy. Các nước giữ nguyên dự báo tăng trưởng là Malaysia là 4,5%, Indonesia 5,0% và Philiphines 6%.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1% và tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2024, ADB dự báo đạt 6% (không thay đổi so với dự báo trong tháng Bảy) và IMF kỳ vọng đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng Tư.
Rủi ro có thể tác động tới kinh tế thế giới và Việt Nam
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam về những rủi ro có thể tác động tới triển vọng kinh tế thế giới cũng như kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024. Cục trưởng Cục Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế, bà Hoàng Thị Thanh Hà cho biết:
Đến tháng 9/2024, các tổ chức quốc tế như OECD, UN và FR đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2024 được dự báo tương đương mức tăng năm 2023, đạt từ 2,7% đến 3,2%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, IMF đề cập ba rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam như sau:
Thứ nhất, rủi ro lạm phát tăng do giá dịch vụ giảm chậm và áp lực giá phát sinh từ căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị. Rủi ro lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ gắn liền với việc thiết lập mặt bằng tiền lương và giá cả vì chi phí cho lao động chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí dịch vụ. Căng thẳng thương mại leo thang có thể làm tăng thêm rủi ro lạm phát trong ngắn hạn do làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu theo chuỗi cung ứng.
Thứ hai, nguy cơ lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn do rủi ro lạm phát gia tăng, từ đó làm tăng rủi ro tài chính. Đồng USD tăng giá do chênh lệch lãi suất có thể làm gián đoạn dòng vốn và cản trở chính sách nới lỏng tiền tệ theo kế hoạch, điều này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Lãi suất cao liên tục có thể làm tăng thêm chi phí vay và ảnh hưởng đến ổn định tài chính nếu những cải thiện về tài chính không bù đắp được lãi suất thực cao hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.
Thứ ba, có thể có những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế xuất phát từ kết quả của các cuộc bầu cử năm nay, với những tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới. Những thay đổi tiềm ẩn kéo theo rủi ro tài chính sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ và đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ. Thuế quan thương mại, cùng với việc mở rộng các chính sách công nghiệp trên toàn thế giới, có thể tạo ra những tác động tiêu cực lan tỏa xuyên biên giới, cũng như kích hoạt sự trả đũa, dẫn đến một cuộc chạy đua tốn kém.
Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.