📞

Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí

18:12 | 12/11/2014
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi hoặc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đình Nam/VGP News

Tại Hội nghị, trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu, là một trong những kênh truyền thông quan trọng của đời sống xã hội, là công cụ phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tuy nhiên, qua 15 năm, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập. Bộ trưởng TT&TT chỉ rõ, đó là chất lượng chưa tương xứng, chồng chéo về tôn chỉ, mục đích và nội dung. Xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.

Toàn cảnh Hội nghị.

Lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, quy trình biên tập, duyệt bài, thông tin sai nhiều nhưng không cải chính; có trường hợp vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, báo cáo của Bộ TT&TT cũng nhắc lại hiện tượng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn. Không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với báo thuộc quyền.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua không chỉ về số lượng, loại hình, đội ngũ người làm báo mà còn đưa được thông tin đến mọi ngõ ngách cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển luôn có những bất cập cần phải tổng kết, đánh giá để khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng cho rằng, những người hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí, cần đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ đất nước; để nhân dân, thông qua báo chí, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, yếu tố công nghệ đang giữ vai trò thúc đẩy quan trọng đối với hướng phát triển của báo chí, truyền thông, làm bùng nổ sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân. “Vấn đề này được đặt ra trong luật về báo chí như thế nào, đến đâu, ở các luật khác ở mức độ nào, cần phải rất đồng bộ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ TT&TT thông cần huy động sự tham gia của những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận đóng góp vào quá trình dự thảo sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu đã làm rõ các vấn đề: thi hành Luật Báo chí hiện hành trong xã hội và đưa ra những kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung các điều trong Luật Báo chí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin.

Tính đến 31/12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, trong đó có 199 cơ quan báo in chiếm 24% (86 báo Trung ương và các Bộ, ngành đoàn thể; 113 báo địa phương); 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí Trung ương, các Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu…; 132 tạp chí địa phương). Hàng năm, số lượng bản báo được phát hành ở nước ta khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản báo/người/năm.

Cả nước có 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.

Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình bao gồm: 02 đài trực thuộc Trung ương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 01 đài thuộc Bộ (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC); 64 đài Phát thanh - Truyền hình địa phương. Số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tính đến 31/12/2013 là 179 kênh.

Đội ngũ nhân lực làm báo gần 40 nghìn người năm 2014. Trong đó có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo…. hầu hết các nhà báo có trình độ đại học trở lên.

Anh Sơn