Phát biểu trước báo giới, Người Phát ngôn của Tổng thống Czech, ông Jiri Ovcacek nhấn mạnh, Tổng thống Zeman phản đối việc tiếp nhận bất kỳ trường hợp người di cư trái phép nào đặt chân lên lãnh thổ Czech.
Ông Ovcacek đồng thời khẳng định, nước này không thể liều lĩnh để “tự chuốc lấy” các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tương tự những gì đã xảy ra tại Pháp và Đức trong những tuần gần đây, khiến hơn 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Nói cách khác, nếu tiếp nhận những người di cư không có lai lịch rõ ràng, đồng nghĩa với việc Czech sẽ tạo cơ hội để “ươm” mầm mống các vụ tấn công khủng bố tại nước này.
Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman. (Nguồn: Creative Commons) |
Cũng theo ông Ovcacek, dòng người di cư đổ dồn về châu Âu hoàn toàn không được kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Do đó, Czech không thể phân biệt được giữa những người di cư vì mục đích kinh tế với những người tị nạn trốn chạy khỏi nội chiến và xung đột.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Chính phủ cầm quyền theo đường lối trung tả của Thủ tướng Bohuslav Sobotka đã đề xuất Quốc hội Czech xem xét phê chuẩn việc tiếp nhận 2.691 người tị nạn vào quốc gia này từ nay đến năm 2017. Số lượng người được đề xuất này không liên quan tới hạn ngạch tiếp nhận người di cư và tị nạn mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ tới các nước thành viên trong khối hiện vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhóm 4 nước Visegrad gồm Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Tổng thống Slovakia Robert Fico cũng bày tỏ quan ngại trước các nguy cơ an ninh quốc gia mà việc tiếp nhận người tị nạn gây ra. (Nguồn: E-Spaces) |
Tuần trước, Tổng thống Slovakia Robert Fico cũng đã bày tỏ những quan ngại của mình về vấn đề người di cư khi cho rằng những người này đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công mới.
Tại thời điểm cuộc khủng người di cư lên cao ở mức đỉnh điểm hồi năm ngoái, mỗi ngày, hàng nghìn người đã liều mạng vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các đảo của Hy Lạp trên những con thuyền ọp ẹp của bọn buôn người. Từ Hy Lạp, họ lại bắt đầu một hành trình khó khăn khác trên lộ trình Balkan để tìm đến các quốc gia Bắc và Tây Âu như Đức hay Thụy Điển. Tuy nhiên, việc lộ trình này bị đóng lại kể từ hồi tháng 3 năm nay đã khiến hàng nghìn người mắc kẹt ở Hy Lạp, Italy và nhiều quốc gia khác dọc tuyến này.