📞

Tổng thống Evo Morales: Quán quân của người nghèo

15:26 | 12/12/2009
Nếu như năm 2005, ông Morales là người bản địa đầu tiên được bầu làm tổng thống Bolivia, thì năm nay, ông lại tái đắc cử tại quốc gia vốn không có truyền thống tái cử. Điều đó đủ chứng minh sức thuyết phục của ông với người dân Bolivia.

Kết quả thắng áp đảo của ông Morales với 63% phiếu bầu không gây ngạc nhiên, cũng như không ai nghi ngờ sự ủng hộ dành cho ông. Ông từng giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 8 năm ngoái, một nỗ lực lật đổ ông, và tiếp đó cũng vượt qua cuộc trưng cầu đầu năm nay cho phép ông tranh cử nhiệm kỳ hai. Mỗi lần, lực lượng chính ủng hộ ông đều là người bản địa, vốn chiếm nửa dân số Bolivia.

Giá khí tự nhiên và quặng tăng đã chiếm phần lớn trong xuất khẩu của Bolivia giúp nước này tăng trưởng 6% vào năm ngoái. Năm nay chính phủ dự đoán tăng trưởng 3%. Sự ổn định kinh tế này cũng khiến ông càng có uy tín tại một đất nước vốn nổi danh vì các cuộc đảo chính và có đến 5 tổng thống trong năm năm trước khi ông thắng cử năm 2005.

Là một đồng minh của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ông Morales nhiều lần nói rằng ông cần thêm thời gian để tái phân phối lợi nhuận thu được từ ngành công nghiệp khí tự nhiên (đã được quốc hữu hóa) cho người nghèo. Từ khi lên nắm quyền tháng 1/2006, ông đã mang lại của cải và quyền lợi cho người bản địa Bolivia. Và cuộc bầu cử lần này là minh chứng mới nhất cho sự ủng hộ của người dân dành cho người mà họ gọi là "Quán quân của người nghèo".

Mặc dầu vậy, thắng lợi của ông Morales một phần còn do sự suy yếu của phe đối lập đang bị chia rẽ. Đối thủ chính của ông, cựu thủ lĩnh quân đội Manferd Reyes Villa, chỉ giành 27% phiếu bầu. Cũng vì lý do này, đảng Phong trào Chủ nghĩa Xã hội của ông Morales đã giành được quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Bolivia, chấm dứt thời kỳ các đề xuất của chính phủ bị các nghị sĩ đối lập ở Thượng viện ngăn cản.

Tuy nhiên, không phải ông Morales không gặp trở ngại trong 5 năm cầm quyền sắp tới. Những người ủng hộ ông sẽ đòi có thêm phần nhiều trong khoản chia từ doanh thu quốc gia, đồng thời những nỗ lực quốc hữu hóa các ngành quan trọng có thể sẽ làm những nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Mai Anh