Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trong cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông ngày 9/2. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Ngày 22/2, tờ The Philippine Star đưa tin, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon nhân kỷ niệm 70 năm hai nước ký Hiệp ước phòng thủ chung.
Từ cam kết của Mỹ...
Tại buổi điện đàm, Cố vấn Sullivan nêu rõ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định sự công nhận đối với phán quyết của PCA hồi năm 2016 về Biển Đông, coi phán quyết này “là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý”.
PGS. Stephen Robert Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế Nhật Bản, đồng thời là học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada nhận xét, việc chính quyền của ông Biden đưa ra tuyên bố trên nhằm chứng tỏ Mỹ sẽ đứng về phía các đồng minh như Philippines trong các vấn đề về Biển Đông và thậm chí hơn thế nữa.
“Cùng với các tuyên bố từ chính quyền của Tổng thống Biden về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc)… có thể thấy, tân chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh rõ ràng về việc không chấp nhận các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh đối với Biển Đông, cũng như các hành vi đe dọa nhằm vào Đài Loan”, ông Nagy đánh giá.
...Đến động thái mới
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục có nhiều hành động “răn đe” Trung Quốc về Biển Đông.
Cụ thể, Mỹ đã chỉ trích luật hải cảnh mới của Trung Quốc - vốn cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Ngày 20/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington “quan ngại về ngôn từ trong luật hải cảnh mới vốn rõ ràng ẩn chứa rủi ro tiềm tàng là lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để củng cố yêu sách của Trung Quốc, các tranh chấp biển và lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Trước đó, Mỹ đã chủ động nhóm họp các ngoại trưởng thuộc nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Sau cuộc họp, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật cho thấy, nhóm này đã thảo luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Về mặt quân sự, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 9/2 vừa qua.
Phép thử của thời gian
Tuy nhiên, học giả Nagy cho rằng: “Bước tiếp theo mà các đối tác và đồng minh của Washington cần theo dõi là các tuyên bố cần chuyển biến thành hành động cụ thể.
Ví dụ, Washington cần phải có hành động để ngăn chặn việc Bắc Kinh thiết lập “vùng xám” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như ngăn chặn Trung Quốc có hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông”.
“Vẫn còn quá sớm để nói về các biện pháp cụ thể của chính quyền Tổng thống Biden. Nhưng chắc chắn năm 2021 sẽ là một phép thử chung trong bối cảnh Trung Quốc khó lòng thỏa hiệp vì đây là giai đoạn kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời”, ông Nagy nhận xét.
Trong khi đó, TS. Satoru Nagao thuộc Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ nhận định, dù chính quyền của Tổng thống Biden khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ”, nhưng nội các của ông Biden vẫn đang đánh giá lại chính sách đối với Bắc Kinh.
Theo TS. Nagao, chính quyền của Tổng thống Biden đang cho thấy có rất nhiều vấn đề đối ngoại cần thực hiện. Nhà Trắng đang định nghĩa các vấn đề Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Afghanistan, Iran, Yemen, biến đổi khí hậu... vốn đều là các chủ điểm an ninh quan trọng.
Trong khi đó, ông Carl O.Schuster - cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ đánh giá, dù Washington có một số động thái quân sự gần đây ở Biển Đông, nhưng hiện tại vẫn là giai đoạn tân chính quyền của nước này “thăm dò” để xem phản ứng của Bắc Kinh.
Chính vì thế, cần có thêm thời gian để hiểu rõ chính sách của ông Biden đối với các vấn đề có liên quan Trung Quốc.