📞

Tổng thống Mỹ có thái độ gì về đột phá lịch sử của Israel-Lebanon?

Hà Thu 07:55 | 12/10/2022
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng về thỏa thuận được xem là lịch sử giữa Israel và Lebanon trong việc phân định biên giới trên biển giữa 2 nước.
Tổng thống Mỹ chúc mừng Israel và Lebanon đạt được đột phá trong phân định biên giới biển. (Nguồn: ANews)

Ngày 11/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết, nước này và Lebanon đã đạt được một thỏa thuận về phân định ranh giới trên biển giữa hai bên.

Theo đó, thỏa thuận sẽ củng cố an ninh của Israel, "bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế Israel và đảm bảo sự ổn định của biên giới phía Bắc đất nước".

Về bước phát triển này, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng Israel và Lebanon, coi đây là bước đột phá lịch sử trong vấn đề phân định biên giới trên biển giữa 2 nước.

Trong một tuyên bố sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Israel Yair Lapid và Tổng thống Lebanon Michel Aoud, ông Biden chỉ rõ: "Sau nhiều tháng hòa giải với sự trung gian của Mỹ, chính phủ Israel và Lebanon đã đồng ý chính thức chấm dứt tranh chấp biên giới trên biển và thiết lập ranh giới trên biển vĩnh viễn giữa 2 nước".

Phát biểu với các phóng viên, một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Biden cho biết, thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho Lebanon thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Theo thỏa thuận, Israel cho phép Lebanon có quyền khoan trong một mỏ khí đốt tranh chấp trước đây nằm giữa các vùng kinh tế của hai nước. Đổi lại, Israel sẽ được bồi thường cho bất kỳ trữ lượng hydrocacbon nào được tìm thấy trong phần biên giới của nước này ở Địa Trung Hải.

Ngoài ra, Israel sẽ duy trì "các cơ chế an ninh và cơ sở hạ tầng cần thiết để đảm bảo bờ biển của họ được bảo vệ".

Theo quan chức giấu tên trên, thỏa thuận này không dễ đàm phán và có thể có những thời điểm khó khăn, đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian khi cần thiết.

Trước đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Israel Eyal Hulata cho biết, nước này hài lòng với dự thảo cuối cùng của thỏa thuận phân định ranh giới trên biển với Lebanon do Mỹ làm trung gian. Tất cả các yêu cầu và kiến nghị thay đổi của Israel đều được thực hiện.

Thỏa thuận này sẽ được đưa ra trước nội các an ninh và chính phủ Israel vào ngày 12/10 để thông qua trước khi được Quốc hội xem xét.

Lebanon và Israel không có quan hệ ngoại giao, việc tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc đảm nhiệm. Biên giới hàng hải phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên biên giới phía Nam của Lebanon, tạo ra tranh chấp giữa hai nước.

Năm 2020, Israel và Lebanon nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và Liên hợp quốc, song những cuộc đàm phán đã nhanh chóng lâm vào bế tắc liên quan vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel tuyên bố quyền khai thác.

(theo New York Times, Reuters)